Đào kênh Vĩnh An
Tuy mang án oan về việc để mất thành Mỹ Tho nhưng Nguyễn Công Nhàn vẫn không thối chí mà quyết tâm tìm nơi hiểm địa để chiêu tập nghĩa dũng mưu báo phục, thậm chí kháng mệnh triều đình không đi Vĩnh Yên nhận chức mà quyết tử cố thủ để đền nợ nước ơn vua. Tấm lòng kiên trung của ông xứng đáng với danh hiệu Hùng Dũng Tướng.
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, thì kênh Vĩnh An khởi đào từ tháng 10 năm 1843 đến tháng 4 năm 1844 thì xong. Con kênh nối từ sông Tiền (tại Tân Châu) đến sông Hậu (tại Châu Đốc) do nhân dân hai tỉnh là Vĩnh Long, An Giang cùng góp sức đào, vì lẽ đó, lúc ban đầu được mang tên Vĩnh An Hà. Sau này kênh còn có các tên khác là Long An Hà, Tân Châu Hà, kênh Vĩnh An, kênh Cũ. Nhiều tư liệu cho rằng kênh mang tên Vĩnh An Hà là vì có sự góp sức của nhân dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên là không đúng, vì chữ "Hà" nghĩa là sông chứ không phải chỉ tỉnh Hà Tiên.
Và cũng vì dòng kênh đem lại lợi ích nhiều mặt, quốc phòng, kinh tế, thủy lợi, giao thông và phục vụ dân sinh, nên sau này để tỏ lòng biết ơn, người ta đã đặt tên hai con đường bên bờ kênh là Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Nhàn.
Bị vu cáo bỏ thành Mỹ Tho
Việc Nguyễn Công Nhàn bị vu cáo bỏ thành Mỹ Tho nên dư luận bàng quang về sau không hiểu rõ có nhiều chê trách. Tương truyền, nhà thơ khuyết danh đã làm bài thơ sau: Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn - Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan - Giặc tới Bến Tranh run lập cập - Tàu vô Cửa Tiểu chạy bò càng - Mưu thần trước biết ngang sông chắn - Kế giữ sau toan đóng củi hàng - Thất thủ muốn liều cho giữ tiết - Ngặt vì con, vợ bận chưa an.
Ngày 21/4/2016, hội thảo khoa học về Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn diễn ra tại Đồng Tháp đã chính thức minh oan cho ông và các nhà sử học đã chứng minh bài thơ trên được sáng tác sau sự kiện thất thủ Mỹ Tho khoảng trên nửa thế kỷ.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thân thế Hùng Dũng Tướng Nguyễn Công Nhàn và khẳng định, ông đã phục vụ trải qua ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Với tài thao lược, giỏi về binh pháp và kinh nghiệm trận mạc, ông lập được rất nhiều chiến công trong việc dẹp yên các cuộc bạo loạn của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và cuộc xâm lược của quân Xiêm nhiều lần xâm lấn biên giới Tây Nam Bộ và Trấn Tây thành. Ông còn là người chủ xướng việc đào kênh Vĩnh An ở An Giang, đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho vùng biên giới thường xuyên bất ổn.
Hùng dũng tướng Nguyễn Công Nhàn từng được vua nhiều lần ban khen và thăng bổ nhiều chức vị quan trọng, vượt cấp, trước niên hạn như Lãnh binh Trấn Tây, Thự chưởng vệ sung Tham tán, Thự đô đốc An Giang, Tổng đốc Định Tường...
Năm 1867, Nguyễn Công Nhàn qua đời ở vùng Nước Xoáy - Long Hưng (An Giang), nay là xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Mộ phần của ông ở ấp Hưng Thành Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò.
Hiện nay, ông được thờ ở đình Tân Phước (huyện Lai Vung), đền thờ tại xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh), đình Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng), tại thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) có con đường mang tên ông. Lễ giỗ hàng năm của ông diễn ra vào ngày 15, 16/3, tại đền thờ ở xã Tân Thuận Tây.