<div style="text-align: justify;"><strong>Được khắc tên vào súng thần công</strong></div> <div style="text-align: justify;">Tháng giêng năm 1844, hơn nghìn người Chân Lạp lại đến đắp đồn lũy ở biên giới An Giang. Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn liền sai Lãnh binh Nguyễn Văn Hoàng đến đánh đồn Đa Phúc, Tuần phủ An Giang Nguyễn Công Trứ đến đánh đồn Cần Thăng.</div> <div style="text-align: justify;">Việc tuy xong, nhưng nhà vua trách cứ rằng: chỗ ấy ở vào khoảng giữa hai đồn, cách tỉnh thành không xa, cớ sao giặc Man đắp lũy ngầm mà các ngươi có trách nhiệm không từng biết đến! Chức vụ ở chỗ nào?...</div> <div style="text-align: justify;">Năm 1844, Đào Văn Quận ở An Giang gửi đơn kiện Nguyễn Công Nhàn về việc nhận hối lộ. Xét chuyện có thật, ông bị cách chức Tổng đốc An Hà, giáng bốn cấp, cắt lương một năm. Rồi vì không ưa Nguyễn Công Trứ, ông gửi sớ tâu rằng viên quan này đã lén phái người mua riêng sừng tê giác và đậu khấu.</div> <div style="text-align: justify;">Nhà vua sai Tham tri Trần Ngọc Giao đi tra vấn. Khâm sai về bẩm việc không đúng như lời tâu, ông mắc tội vu cáo bị xử phạt trượng, phát lưu. Tuy nhiên khi án dâng lên, nhà vua xét công trạng cũ cho giảm, nên chỉ bị cách hết chức tước, buộc đến làm việc dưới quyền của Tôn Thất Bá. Nhưng không bao lâu, ông được phục chức Hiệp quản vì "có công đánh loạn ác man".</div> <div style="text-align: justify;">Năm 1845, ông được bổ làm Phó lãnh binh phủ Tây Ninh, năm sau (1846) lại được điều đi đánh đuổi quân Chân Lạp đang quấy nhiễu vùng biên giới An Giang.</div> <div style="text-align: justify;">Sau đó, do có thành tích chiến thắng ở Trấn Tây năm 1847, Nguyễn Công Nhàn được bổ Lãnh binh tỉnh Bình Định, được cấp trả lại kim bài "Hùng dũng tướng", được tấn phong tước Trí thắng nam, cho khắc tên vào cổ súng đồng Thần uy phục viễn, vị thứ tư đặt tại kinh thành Huế.</div> <div style="text-align: justify;"> </div> <div style="text-align: justify;"><strong>Chiêu tập nghĩa dũng chống Pháp</strong></div> <div style="text-align: justify;">Năm Tự Đức thứ 9 (1856), Nguyễn Công Nhàn được thăng Chưởng vệ, lãnh chức Tuần phủ Hà Tiên, kiêm Bố chính sứ. Đầu năm 1859, quân Pháp hãm thành Gia Định, Tổng thống quân vụ Tôn Thất Hiệp xin cho ông làm Đề đốc quân vụ để cùng chống ngăn quân xâm lược.</div> <div style="text-align: justify;">Ngày 17 tháng 2 năm 1859, thành Gia Định thất thủ. Tháng 7, Nguyễn Công Nhàn được bổ làm Hộ lý An Giang, rồi Tổng đốc Định Tường.</div> <div style="text-align: justify;">Ngày 26 tháng 3 năm 1861, Pháp tấn công Định Tường, Nguyễn Công Nhàn vừa tới Định Tường thì thành Mỹ Tho đã thất thủ. Ông phải thu thập quân binh rút về cố thủ ở Kiến Đăng.</div> <div style="text-align: justify;">Thành Mỹ Tho mất, ông bị tuần phủ Nguyễn Hữu Thành vu cho tội bỏ thành chạy, vua Tự Đức cho lột hết chức tước để chờ nghị tội nhưng vẫn ngầm yêu cầu ông lẻn về lỵ sở cũ để chiêu tập dân mưu báo phục về sau.</div> <div style="text-align: justify;">Đến tháng 12 cùng năm, Pháp đánh Biên Hòa, đình thần khi ấy đã tâu lên rằng: Công Nhàn vốn thạo việc trận, ở triều đình không ai hơn được. Xin gia ơn cho Nhàn phục quân vệ, sung làm đốc binh, theo Nguyễn Tri Phương đi Biên Hòa bàn làm việc quân.</div> <div style="text-align: justify;">Tháng Giêng năm Tự Đức thứ 15 (1862), vua đổi sai Đốc binh Nguyễn Công Nhàn làm Thương biện quân vụ Vĩnh Yên. Công Nhàn không tuân lệnh mà ở lại tiếp tục chiêu tập nghĩa dũng chống Pháp.</div> <div style="text-align: justify;">Theo lời truyền tụng trong dân gian vùng Long Hưng (Nước Xoáy) thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Hùng Dũng tướng quân Nguyễn Công Nhàn sau khi Định Tường thất thủ đã rút quân doanh về đây lập tổng hành dinh, chiêu tập nghĩa dũng để chống Pháp.</div> <div style="text-align: justify;">Hiện nơi này còn địa danh Rạch Dinh là nơi ghe Ô, ghe Sa của ông thường ra vào nơi Tổng hành dinh. Nơi đây hiện còn ngôi mộ Hùng Dũng Đại tướng quân và các quan quân hầu cận trên địa phận ấp Hưng Thành Tây.</div> <div style="text-align: justify;">Cũng trong sách trên, có đoạn khen ngợi Nguyễn Công Nhàn như sau: Công Nhàn xuất thân từ người tướng hiệu nhỏ, trải qua nhiều trận, mạnh mà có chí. Về phép hành quân, Nhàn có thể lấy số quân ít đánh số quân nhiều; lại khéo dỗ quân lính, không nỡ khinh, dối, cho nên ai cũng đều vui, làm việc đến đâu là có công.</div> <div style="text-align: justify;"> </div> <div style="text-align: right;"><em>(còn nữa)</em></div>