Theo y học cổ truyền, lá húng chanh non được dùng làm vị thuốc chữa nhiều bệnh, có thể dùng lá tươi hay khô. Lá tươi có vị chua the, mùi thơm hơi hăng, có tính ấm, đi vào kinh phế và kinh vị.
Tác dụng của húng chanh làm khu phong, tán thành, giải cảm, làm ấm phổi, trị cảm cúm, ho suyễn, viêm họng, sát khuẩn, tiêu đàm. Ngoài ra còn có tác dụng trị côn trùng cắn và chữa dị ứng da. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số bài thuốc.
Chữa cảm cúm: Bệnh nhân bị lạnh đột ngột, hắt hơi sổ mũi, ho nhiều, nước mắt nước mũi chảy liên tục, người mệt, chân tay lạnh, lấy 15g lá và cành húng chanh khô nấu với ba bát nước, đun cạn đi còn một bát đem uống nóng, chia hai lần, có thể cho thêm vài hạt muối và ba lát gừng tươi cho thuốc ấm bụng thì hiệu quả nhanh hơn. Có thể kết hợp lấy lá húng tươi, lá tre, lá bạc hà và lá hương nhu, mỗi thứ một nắm đem rửa sạch, cho vào nồi nước đun sôi, lấy một bát uống nóng rồi chùm chăn xông cho ra mồ hôi, lau khô người, nằm đắp chăn chỗ kín gió.
Viêm loét miệng lưỡi: Do cơ địa bị nhiệt nóng trong, miệng bị khô, môi nứt nẻ, lưỡi đỏ, ăn gì cũng sót, đau liên tục cả ngày. Lấy lá húng chanh 12g, rau mùi thơm 20g, rửa sạch và ngâm nước muối rồi cho cuốn 2 thứ lá rau này nhai, ngậm trong miệng một lúc rồi nuốt từ từ, kiên trì ba ngày như vậy vết loét sẽ khô lại.
Dị ứng da: Do ăn uống, do thuốc hay mỹ phẩm, làm cho da mẩn ngứa, khó chịu. Lấy 15g rau húng chanh sắc lên, cho vài hạt muối, uống ngày một lần. Kết hợp lấy 1 nắm húng chanh tươi, giã nát, cho muối vào xát vào chỗ mẩn ngứa vài hôm sẽ hết.
BS Đức Quang (Viện Châm cứu T.Ư)