<p><span><span><span><span><span><span>Ngày 12/1, trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Thừa Thiên Huế) cho biết, đơn vị vừa tiến hành thả 2 cá thể bồ nông chân hồng về tự nhiên.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Theo ông Hùng, 2 con chim này mắc lưới ngư dân đầm phá Cầu Hai (huyện Phú Lộc) và được người dân mang về nhà nuôi. Nhận tin báo, Phòng TN&MT huyện Phú Lộc đã đến hiện trường và báo cho Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh… để về kiểm tra.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>“Ở Huế không có chuyên gia về chim, Sở đã mời cán bộ của Viện Nghiên cứu sinh thái và Tài nguyên sinh vật ở Hà Nội để họ vào hiện trường kiểm tra, xác định loài chim này. Sau khi xác minh thì đây là chim bồ nông chân hồng, thuộc loại quý hiếm nhưng chưa nằm trong sách đỏ, tên khoa học là Pelecanus onocrotalus. Sau đó chúng tôi đã thả về khu vực đầm phá Cầu Hai, cách khu vực dân cư khoảng gần 2km…”- ông Hùng cho hay.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Qua giám định, đây là 2 trong 60 cá thể bồ nông chân hồng sinh sản đang được Viện Nghiên cứu sinh thái tài nguyên sinh vật Việt Nam và Viện cứu động vật học Quảng Châu (Trung Quốc) tiến hành ký kết hợp tác nghiên cứu, với mục tiêu giám sát quá trình di trú và cảnh báo các hiện tượng thiên tai bất thường xảy ra. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Nói về thiết bị “lạ” gắn trên thân chim, Chi cục Bảo vệ môi trường thông tin thêm đây là thiết bị định vị (GPS) gắn để theo dõi đường bay của chim, nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn loài chim quý hiếm này. Thiết bị đó hoàn toàn không nhằm mục đích an ninh…</span></span></span></span></span></span></p> <div> <figure class="image" style="display:inline-block"><img alt="Thiết bị định vị gắn trên thân chim" src="https://khds.1cdn.vn/2019/01/12/chim-2-1.jpg" /> <figcaption>Thiết bị định vị gắn trên thân chim</figcaption> </figure> </div> <p><span><span><span><span><span><span>Trước đó những ngày vừa qua, người dân vùng ven đầm Cầu Hai (thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) xôn xao khi bắt được loài chim lạ.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Theo ngư dân, loài chim này có màng bơi như chân vịt, dưới mỏ và cổ là một túi chứa thức ăn màu vàng khác với những loài chim nước thường thấy; khi xuống đầm phá Cầu Hai tìm thức ăn là cá, tôm thì vướng lưới. Đặc biệt, trên lưng chim gắn theo thiết bị lạ có dòng chữ La tinh viết hoa HQXS nghi là máy định vị (GPS). Sau đó họ đã báo cơ quan chức năng.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Ông Ngô Văn Xu (46 tuổi, trú khu vực 4, thị trấn Phú Lộc) chia sẻ, trong lúc đi thu hoạch cá ở khu vực đầm Cầu Hai, ông đã bất ngờ phát hiện một con chim lạ có kích thước lớn bị mắc vào lưới. Ngay lập tức, ông Xu dùng tay gỡ dây lưới ra rồi đem con chim về nhà nhốt trong lồng.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>“Hay tin tôi bắt được chim lạ, nhiều người trong thôn kéo đến rất đông để xem và có một số người ngỏ ý mua nhưng tôi không bán. Con chim mà tôi bắt được có trọng lượng khoảng 9kg, sải cánh dài hơn 1 mét…”- ông Xu nói.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Các chuyên gia nhận định loài chim này là chim di cư, thường xuất hiện ở các khu bảo tồn, bãi triều ở cửa sông và dọc bờ biển, thân hình to lớn khác thường.</span></span></span></span></span></span></p> <div><span><span><span>Hiện Sở TN&MT Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi đến chính quyền các xã đầm phá ven biển tuyên truyền cho người dân không được săn bẫy những loài chim quý hiếm…</span></span></span></div>