Hư thực số phận chuông Vân Bản cổ nhất Việt Nam

Là một trong ba quả chuông cổ nhất Việt Nam, xung quanh chuông Vân Bản này có nhiều câu chuyện nửa hư nửa thực được lưu truyền khiến quả chuông này được coi là một trong những quả chuông kỳ lạ nhất Việt Nam.

Được tìm thấy năm 1958 tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng, chuông Vân Bản là một quả chuông cổ có số phận lịch sử rất đặc biệt. Hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Độc đáo chuông cổ

Trên thân chuông Vân Bản không khắc niên đại. Theo nghiên cứu của các nhà sử học, chuông được đúc trong thời Trần (thế kỷ 13), là một trong ba quả chuông cổ nhất Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Quả chuông cổ này có kích thước to lớn, cao 125cm, đường kính miệng 80cm. Thân chuông có nhiều đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô, 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật.

Chuông có 6 núm gõ, xung quanh mỗi núm có 16 núm tròn nhỏ tạo thành hình bông cúc. Phần vành miệng trang trí 52 cánh sen.

Quai chuông trang trí hai con rồng đấu lưng vào nhau, nơi tiếp giáp ở vị trí cao nhất trang trí hình búp sen. Vẩy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng. Nhìn chung, đây là hình tượng rồng mang nhiều đặc trưng của thời Trần.

Quả chuông kỳ lạ

Xung quanh chuông Vân Bản có nhiều câu chuyện nửa hư nửa thực được lưu truyền, khiến quả chuông này được coi là một trong những quả chuông kỳ lạ nhất Việt Nam.

Tương truyền, trong thời kỳ đầu tiên, chuông được treo tại chùa Vân Bản (Đồ Sơn – Hải Phòng). Sau nhiều thăng trầm lịch sử, chùa Vân Bản bị đổ nát, chuông lăn xuống biển. Ít lâu sau, dân chúng hò nhau trục vớt được quả chuông ở bến đò Họng, rồi rước về chùa Nam gần đó.

Vài trăm năm sau, do một trận bão lớn, chùa bị đổ sập, chuông lại bị lăn xuống biển ở chân núi Tháp. Đến thời Lê, chùa Vân Bản được dân chúng dựng lại ở ven núi. Người dân Đồ Sơn lại tìm được quả chuông, đem về treo ở chùa.

Sau đó, các lần chuông biến mất trùng với thời điểm đất nước có biến loạn, như thế quả chuông biết tự bảo vệ mình. Đó là thế kỷ 15, chuông biến mất để tránh cuộc hủy hoại văn hóa của giặc Minh. Đầu thế kỷ 19, chuông lại “lặn” xuống biển để tránh việc phá chùa Tháp của Hoàng Cao Khải…

Năm 1958, thời điểm đất nước ta lập lại hòa bình được một thời gian ngắn, một ngư dân Đồ Sơn đã "đánh bắt" được quả chuông khi kéo lưới. Chuông Vân Bản được đưa về bảo tàng từ đó đến nay.

Có ý kiến cho rằng, người dân Đồ Sơn đã chủ động giấu chuông Vân Bản xuống đáy biển khi có biến và dựng lên những câu chuyện kỳ bí để bảo vệ quả chuông này. Đến khi đất nước bình yên, họ tìm lại quả chuông để đưa về chùa.

Điều đặc biệt là chuông bị chìm dưới biển hàng thế kỷ nhưng không hề bị nước mặn ăn mòn, làm hư hại. Có người lý giải rằng, chuông bền như vậy vì được đúc với một tỷ lệ vàng rất cao.

Theo VietnamDaily
back to top