Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), Luật PPP đã quyết định dừng dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT) mới, kể từ ngày 01/01/2021 là cần thiết và cấp bách, không để tiếp tục xảy ra tình trạng thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công, nhất là quỹ đất công, trụ sở làm việc.
Luật PPP đã dừng dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT mới kể từ ngày 01/01/2021. |
Tuy nhiên, có điểm chưa hợp lý là Luật PPP đã bãi bỏ hình thức Hợp đồng BT, trong đó có các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các dự án xây dựng công trình hạ tầng, dịch vụ.
HoREA cho rằng, không vì có một số bất cập, “lỗ hổng”, sơ hở, mà phải bãi bỏ hẳn loại hình dự án BT, vì nguyên nhân chủ yếu là chưa có đầy đủ các quy định pháp luật đồng bộ và hiệu quả để điều chỉnh loại hình dự án BT. Loại hình dự án BT rất cần thiết để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ, vừa có lợi cho Nhà nước, nhà đầu tư vừa lợi ích cộng đồng.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, chỉ nên dừng loại hình dự án BT từ nay đến khoảng năm 2022, để trong thời gian này, thực hiện việc rà soát, xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách thực hiện dự án BT, nhằm bịt kín các lỗ hổng, không để thất thoát tài sản công, thất thu ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện các dự án nhà ở xã hội; dự án nhà ở tái định cư; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Luật PPP cũng bãi bỏ các dự án PPP có giá trị dưới 200 tỷ đồng, HoREA cho rằng, trên địa bàn cấp huyện, cấp xã nhất là vùng sâu, vùng xa có nhiều dự án cơ sở hạ tầng có giá trị dưới 200 tỷ đồng cần huy động nguồn vốn xã hội hóa theo Hợp đồng PPP. Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để có phương thức đầu tư PPP đối với các trường hợp đặc thù này.