Tình trạng rác thải nhựa ở Việt Nam hiện đang ở mức đáng báo động. Trong một nghiên cứu Tổ chức phi chính phủ Bảo tồn đại dương, Việt Nam là một trong 5 nước thải rác nhựa xuống biển nhiều nhất. Trong khi đó, ô nhiễm nhựa đang gây thiệt hại lớn cho môi trường và hệ sinh thái. Rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các sông, suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là các vùng biển, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng của sinh vật ngoại lai đến hệ sinh thái. Các chất phụ gia trong nhựa cũng có thể tác động tiêu cực lên sinh vật. Các hạt vi nhựa làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý cho các loài sinh vật bậc cao hơn, bao gồm cả con người.
Trước thực trạng gia tăng của việc tiêu thụ sản phẩm nhựa và tác động tiêu cực tới môi trường, phát triển kinh tế và sức khỏe con người, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Dow Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Unilever Việt Nam đã ký kết Biên bản thỏa thuận thiết lập Hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Trọng tâm của Hợp tác công tư lần này xoay quanh 4 nội dung: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn; hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế rác thải nhựa và đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên một thỏa thuận hợp tác xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa được ký kết giữa khu vực công và khu vực tư. Biên bản này được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều thay đổi tích cực cho môi trường tự nhiên và tạo động lực phát triển nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Hợp tác lần này không chỉ giới hạn trong 3 doanh nghiệp đầu tiên tiên phong ký kết mà còn kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp có trách nhiệm khác trong và ngoài nước cùng chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam.