Cảnh báo rủi ro giao dịch đặt cọc
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trong những năm gần đây đã tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở, nhưng đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất, bán đất nền, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn, gây mất an ninh trật tự, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương và làm trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư dự án lớn do giá đất đã bị đẩy lên quá cao.
Thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới “đầu nậu”, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng và trong một số trường hợp đã câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở, hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Theo HoREA, tình trạng trên xuất phát do bất cập của các quy định pháp luật. Đặc biệt, chế định "đặt cọc". Theo Khoản 1 Điều 328 Bộ Luật Dân sự đặt cọc nhằm mục đích "để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng", nhưng trong Luật Kinh doanh bất động sản không có quy định về "đặt cọc".
Lợi dụng các bất cập này, các “đầu nậu” bán nền hình thành trong tương lai trái pháp luật, sử dụng các phương thức như: thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ; thỏa thuận góp vốn; thỏa thuận hợp tác đầu tư; thỏa thuận hợp tác kinh doanh... theo quy định của pháp luật dân sự, với giá trị đặt cọc lớn, gây rủi ro cho khách hàng.
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Long An đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, người dân cần nắm biết thông tin khi tham gia giao dịch bất động sản. Sở này cho rằng, nhiều chủ đầu tư tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định; chưa thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn theo quy định; việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trong dự án bất động sản chưa đúng với quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động chưa công khai, minh bạch; số liệu thông tin về dự án chưa đầy đủ, chính xác...
Sở Xây dựng Long An lưu ý các trường hợp kinh doanh bất động sản dùng hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai trong khi chưa có thông báo được phép bán của Sở Xây dựng là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, khách hàng cần tỉnh táo tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho tổ chức, cá nhân.
Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu giao dịch mua nhà ở, đất ở và sản phẩm bất động sản khác tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Long An, trước khi thực hiện hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án cần phải yêu cầu chủ đầu tư dự án, sàn giao dịch bất động sản làm rõ thông tin pháp lý của sản phẩm cần giao dịch hoặc có thể tìm hiểu về pháp lý của dự án tại chính quyền địa phương.
Khẩn trương hoàn thiện pháp lý
Từ thực tế trên, HoREA đề nghị khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để khắc phục các bất cập hiện nay. Trong đó, đề nghị bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản quy định về "thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ; thỏa thuận góp vốn" trong giai đoạn trước khi ký hợp đồng bán nhà, nền nhà, đất nền hình thành trong tương lai để thống nhất quản lý. Đồng thời, bổ sung quy định về giá trị đặt cọc không vượt quá 5% giá tạm tính của sản phẩm bất động sản.
Đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động môi giới bất động sản; Yêu cầu nhân viên môi giới phải được đào tạo và phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định của pháp luật thì mới được hoạt động dịch vụ môi giới; Đồng thời, đề nghị quy định nhân viên môi giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về việc môi giới.
Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung Bộ Luật Dân sự quy định trường hợp "đặt cọc" để bảo đảm giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật chuyên ngành thì phải vừa tuân thủ quy định của Bộ Luật Dân sự, phải vừa tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành, như trường hợp "đặt cọc" để bảo đảm giao kết hợp đồng mua bán bất động sản (trong đó có đất nền) hình thành trong tương lai, phải vừa tuân thủ quy định của Bộ Luật Dân sự, phải vừa tuân thủ quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, Sở Xây dựng tỉnh Long An yêu cầu chủ đầu tư các dự án bất động sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản,... trong suốt quá trình triển khai dự án, như: ký hợp đồng với các sàn giao dịch bất động sản, đơn vị tư vấn bán hàng khi đủ điều kiện huy động vốn, đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định; cung cấp thông tin về thời gian, địa điểm lễ mở bán sản phẩm bất động sản nhà ở về Sở Xây dựng, UBND địa phương nơi có dự án để biết, theo dõi, quản lý;
Chỉ được phép tổ chức huy động vốn, mở bán nhà ở hình thành trong tương lai khi đủ điều kiện quy định và khi có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn, được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng.
Nghiêm cấm chủ đầu tư huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở được ứng trước của khách hàng theo quy định của pháp luật. Trường hợp sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc chiếm dụng vốn đã huy động hoặc huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở ứng trước của khách hàng thì phải hoàn lại số tiền đã huy động sai quy định; phải bồi thường (nếu gây thiệt hại) và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.