Hơn 80% số ca tử vong do té ngã xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó các khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á chiếm 60% số ca tử vong này. Ở tất cả các khu vực trên thế giới, tỷ lệ tử vong cao nhất là ở người lớn trên 60 tuổi. Những thay đổi về thể chất, tình trạng sức khỏe và đôi khi là các loại thuốc dùng để điều trị những tình trạng đó cũng khiến người cao tuổi dễ té ngã.
Phòng ngừa té ngã là một chủ đề quan trọng ở người cao tuổi. Tuy nhiên, nỗi sợ té ngã không nhất thiết phải chi phối cuộc sống của bạn. Thay vào đó, hãy cân nhắc sáu chiến lược phòng ngừa té ngã đơn giản.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Trong quá trình kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ có thể trao đổi một số vấn đề để thảo luận về chiến lược phòng ngừa té ngã bao gồm:
- Thuốc đang sử dụng: Nên liệt kê các loại thuốc hoặc mang theo chúng khi đến khám bệnh, bác sĩ có thể chỉ ra tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc có thể làm tăng nguy cơ té ngã, chẳng hạn như thuốc an thần, kháng histamin và một số loại thuốc chống trầm cảm. Để ngăn ngừa té ngã, bác sĩ cân nhắc yêu cầu người bệnh ngừng sử dụng các thuốc này.
- Tiền sử ngã: Nên trao đổi các chi tiết như thời gian, địa điểm, cách bạn ngã và những lần bạn suýt ngã. Những chi tiết này có thể giúp bác sĩ xác định các chiến lược phòng ngừa té ngã cụ thể.
- Tình trạng sức khoẻ hiện tại: Một số rối loạn về mắt và tai có thể làm tăng nguy cơ té ngã, hãy chia sẻ tình trạng sức khoẻ và mức độ thoải mái của bạn khi đi bộ, ví dụ bạn có thấy chóng mặt, đau khớp, khó thở hoặc tê bàn chân/cẳng chân khi đi bộ không? Điều này giúp bác sĩ đánh giá sức mạnh cơ bắp, sự cân bằng và dánh đi của bạn.
Hơn 680.000 ca tử vong do té ngã: Mẹo đơn giản để phòng ngừa - Ảnh minh hoạ |
Hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất có thể giúp phòng ngừa té ngã, hãy cân nhắc các hoạt động như đi bộ, bơi lội, yoga; các hoạt động này giúp giảm nguy cơ té ngã bằng cách cải thiện sức mạnh, sự cân bằng, sự phối hợp và tính linh hoạt.
Nếu sợ hoạt động thể chất có thể gây té ngã, hãy tìm đến cơ sở vật lý trị liệu, nhân viên y tế sẽ giúp bạn xây dựng chương trình tập luyện phù hợp nhằm cải thiện sự cân bằng, tính linh hoạt và sức mạnh cơ bắp.
Mang giày phù hợp
Giày cao gót, dép lê mềm và giày có đế trơn có thể khiến bạn trượt, vấp ngã; đi bộ bằng chân đi tất cũng vậy. Thay vào đó, hãy đi giày đế bằng, chắc chắn, vừa vặn và chống trượt; giày dép phù hợp cũng có thể làm giảm đau khớp.
Loại bỏ các mối nguy hiểm trong nhà
Hãy quan sát xung quanh nhà để tìm các nguy cơ té ngã tiềm ẩn:
- Dọn sạch các hộp, báo, dây điện và dây điện thoại khỏi lối đi.
- Di chuyển bàn, giá đựng tạp chí và giá để cây ra khỏi những khu vực có nhiều người qua lại.
- Cố định những tấm thảm lỏng lẻo bằng băng dính hai mặt, đinh ghim hoặc vật liệu chống trượt ở mặt sau hoặc vứt bỏ những tấm thảm lỏng lẻo.
- Cất quần áo, bát đĩa, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác ở nơi dễ lấy.
- Lau sạch ngay nước, dầu mỡ hoặc thức ăn bị đổ.
- Sử dụng thảm chống trượt trong bồn tắm hoặc vòi hoa sen; sử dụng ghế tắm để ngồi trong khi tắm.
Thắp sáng không gian sống
Giữ cho ngôi nhà sáng sủa để tránh vấp phải những đồ vật khó nhìn thấy:
- Đặt đèn ngủ trong phòng ngủ, phòng tắm và hành lang.
- Đặt đèn gần giường để phòng trường hợp phải thức dậy vào nửa đêm.
- Tạo lối đi thông thoáng đến công tắc đèn, cân nhắc thay công tắc truyền thống bằng công tắc phát sáng trong bóng tối hoặc công tắc có đèn.
- Bật đèn trước khi lên hoặc xuống cầu thang.
- Cất đèn pin ở nơi dễ tìm để phòng trường hợp mất điện.
Sử dụng các thiết bị hỗ trợ
Nếu khó khăn trong việc đi lại, bạn nên sử dụng gậy hoặc xe đẩy có bánh để giữ ổn định, bên cạnh đó có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ khác: Tay vịn cho cầu thang, bậc chống trượt cho cầu thang, bệ ngồi có tay vịn, tay vịn cho vòi sen hoặc bồn tắm, ghế nhựa chắc chắn để tắm hoặc tắm bồn.
BS.Nguyễn Mạnh Tuấn (Viện Điều trị Cán bộ cao cấp Quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)