Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, người lao động trong các ngành nghề có môi trường nặng nhọc, độc hại đều muốn được nghỉ hưu sớm. Nguyên nhân là nếu không về cũng không còn đảm bảo sức khoẻ để tiếp tục làm việc, dù biết nghỉ hưu sớm mức hưởng rất thấp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, con số khảo sát cho thấy nên nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu linh hoạt. Có những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại không chỉ nghỉ hưu sớm 5 năm mà còn là 10 năm so với quy định.
Ngoài ra, cũng cần phân định rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với khu vực công chức, viên chức và khu vực sản xuất kinh doanh.
Thực tế, hiện nay tuổi đời của các ngành sử dụng đông lao động như dệt may, điện tử, chế biến hải sản... chỉ ở mức 40 tuổi. Ngoài 40 tuổi, sức khỏe người lao động không đảm bảo, chủ sử dụng lao động chỉ muốn sa thải.
Đối với các lao động này, nếu kéo dài tuổi hưu, nhiều lao động phải chờ 15-20 năm nữa mới có thể được hưởng lương hưu. Thực tế này sẽ có rất nhiều người phải chọn cách hưởng chính sách trợ cấp một lần thay vì đợi đến tuổi nghỉ hưu.
Ngày 20/9 vừa qua, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mới nhất đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về tăng tuổi nghỉ hưu, các bản Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi trước đây đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021, với nam tăng lên 62 tuổi, nữ tăng lên 60 tuổi. Các phương án đưa ra chỉ là mỗi năm tăng thêm 3 tháng hoặc 4 tháng.