Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000 - 65.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc cơ cấu, các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, lũy kế từ khi có dịch tổng lợi nhuận các ngân hàng đã chia sẻ trên 26.000 tỷ đồng. Từ đợt dịch thứ nhất đến đợt dịch thứ ba, các ngân hàng đã giảm 16.000 tỷ đồng từ lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đến 31/8, tăng trưởng tín dụng ở mức 7,18% so với đầu năm, và dự kiến đạt 12% cả năm. Ngân hàng Nhà nước còn 5% để điều tiết tín dụng trong vòng 3 tháng còn lại. Mục tiêu tín dụng năm nay là 12% nhưng linh hoạt, nếu cần thiết vẫn có thể mở để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Ngân hàng không hề siết chặt mà còn mong muốn doanh nghiệp được thuận lợi vay vốn.
Hiện nay, dư nợ tín dụng của nền kinh tế đang khoảng 10 triệu tỷ đồng. Trong đó, lượng dư nợ cho vay mới để hỗ trợ người dân trong sản xuất kinh doanh là 4,46 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 50% lượng dư nợ.
Khoảng cấp bù lãi suất trên chỉ chiếm 1% dư nợ nên chỉ góp phần giảm khó khăn cho doanh nghiệp, chứ chưa thể hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Do đó, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đề nghị cần xem xét tăng quy mô gói hỗ trợ này, tất nhiên đi kèm với các giải pháp kiểm soát lạm phát, để giữ được ổn định vĩ mô.
Liên quan đến giải pháp cấp bù lãi suất này, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng 10 tới đây các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cấp bách về dòng tiền cho doanh nghiệp.