Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2022.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, ngày 15/9, tại Phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nêu rõ, năm 2022, Chính phủ đã triển khai toàn diện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Cụ thể, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối bảo vệ an ninh quốc gia, thúc đẩy lợi ích của Việt Nam trong quan hệ quốc tế; triển khai đồng bộ các kế hoạch, biện pháp công tác bảo đảm an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, nhất là Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (Seagame 31); giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.
Đối với công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; phòng, chống tội phạm trong và sau dịch Covid-19; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó việc trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực.
Trên toàn quốc, số vụ phạm tội về trật tự xã hội giảm 9,75%. Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, nổi lên các vấn đề như: Tội phạm giết người tăng 7,43%; đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, người có tiền sử bệnh tâm thần giết người gây lo lắng, bất an trong nhân dân; Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” chuyển hướng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận; Tội phạm mua, bán người có dấu hiệu phức tạp trở lại sau khi mở cửa biên giới; Tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản) tuy giảm về số vụ nhưng tính chất còn nghiêm trọng.
Theo Báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2022, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đạt kết quả tốt hơn, như: Đã kiểm sát chặt chẽ hơn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đều đạt cao và vượt chỉ tiêu Quốc hội; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội; số lượng kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án khắc phục vi phạm tăng 1,2%; tiếp tục phối hợp tốt trong việc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp đạt 82,6% (vượt 22,6% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội).
Bên cạnh đó, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm được tiếp thu, thực hiện đạt tỷ lệ cao và đều vượt chỉ tiêu Quốc hội, tăng 8,3% ; số lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính tăng 53,2%; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính được Hội đồng xét xử chấp nhận tăng nhiều (tăng 20,3%) và vượt chỉ tiêu của Quốc hội (vượt 3,6%); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự được Hội đồng xét xử chấp nhận, đạt 80% và vượt 10% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.
Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả hơn; công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội , qua đó kịp thời phát hiện, kháng nghị những bản án, quyết định có vi phạm pháp luật.
Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao năm 2022 nêu rõ, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục được đảm bảo. Theo đó, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022, các Tòa án đã giải quyết 71,07% số vụ việc đã thụ lý.
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,88%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra. Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 85,2% các vụ việc đã thụ lý.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm; các Tòa án đã phối hợp với Viện kiệm sát nhân dân tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm. Đã xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.
Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã giải quyết 68,06% số vụ việc đã thụ lý. Tỷ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Các Tòa án đã chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp.
Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã giải quyết, xét xử 49% số các vụ đã thụ lý. Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; nghiên cứu, thí điểm việc tổ chức các buổi đối thoại bằng hình thức trực tuyến; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án.
Trong kỳ báo cáo, không có vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; các Tòa án đã ban hành 138 quyết định buộc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.