Kỳ lạ hai bài toán giống nhau
KH&ĐS nhận được thông tin từ độc giả Trần Phương, một thầy giáo dạy Toán.
Ông Phương cho biết, ông đã phát hiện về sự giống nhau đến kỳ lạ giữa bài toán số 6 đề thi khối lớp 6 vòng 2 của kỳ thi “Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ MYTS 2016” tổ chức ngày 2/4/2016 do Hội Toán học Việt Nam và Hexagon of Maths & Science đồng phối hợp tổ chức và bài số 15 trong đề thi Olympic Toán Châu Á Thái Bình Dương (APMOPS 2015) do Học viện Hwa Chong Singapore tổ chức ngày 11/4/2015.
Cụ thể:
Bài số 15 APMOPS 2015 (dịch): Hình vẽ là một quả bóng đá được làm từ 32 miếng da. Mỗi miếng màu đen là một ngũ giác tiếp xúc với 5 miếng màu trắng. Mỗi miếng màu trắng là một lục giác tiếp xúc với 3 miếng đen và 3 miếng trắng. Hỏi có tất cả bao nhiêu miếng màu trắng?
Bài 6 đề thi khối 6 vòng 2 MYTS năm 2016: Một quả bóng đá được khâu từ 32 miếng da. Mỗi miếng ngũ giác màu đen khâu với 5 miếng màu trắng. Và mỗi miếng lục giác màu trắng khâu với 3 miếng màu đen, như hình vẽ. Hỏi có bao nhiêu miếng màu trắng?
Theo ông Phương, trong đề thi MYTS 2016 vòng 1 ông còn nhận thấy có khá nhiều bài khối lớp 5, 6 và 7 tương tự các đề thi nước ngoài.
Ông tìm hiểu thêm thì được biết kỳ thi MYTS được một trung tâm giáo dục khởi xướng và độc lập tổ chức năm 2015. Từ năm 2016 trung tâm giáo dục này tham gia đồng tổ chức với Hội Toán học Việt Nam.
Theo ông Phương, sẽ không có vấn đề gì nếu 2 tổ chức này đồng sáng lập kỳ thi MYTS thuần túy để phát hiện các tài năng toán học phi lợi nhuận. Tuy nhiên nếu biết bản chất trung tâm tham gia tổ chức có đào tạo, bồi dưỡng học sinh phổ thông thì tính khách quan khi trung tâm này tham gia ra đề thi MYTS sẽ là một dấu hỏi lớn về sự “trục lợi”.
(Có thể tải tham khảo đề thi MYTS tại https://www.vms.org.vn/index.php/vi/tin-tuc-vms.html?start=112)
Thậm chí dạng thức 2 vòng thi năm 2016 với vòng 1 trắc nghiệm 30 câu hỏi và vòng 2 tự luận cũng hoàn toàn giống y chang với dạng thức kỳ thi APMOPS của Singapore (hiện tại Ban tổ chức kì thi đã điều chỉnh số lượng câu hỏi vòng 1 từ 30 câu xuống 24 câu).
Theo ông Phương, Hội Toán học Việt Nam không nên tham gia hoặc bảo trợ cho một trung tâm giáo dục để rồi bị thao túng trong việc ra đề. Và Hội cần làm sáng tỏ vấn đề này một cách thấu đáo và trả lời công khai thắc mắc của ông trên báo chí và truyền hình.
Rất đông phụ huynh cùng các thầy cô giáo đã đưa các thí sinh đến tham dự cuộc thi Tìm kiếm tài năng toán học trẻ 2019. Ảnh: KH&ĐS. |
Hội Toán học: Năm đầu tiên khó tránh sơ suất
KH&ĐS đã gửi kiến nghị của ông Trần Phương tới Hội Toán học Việt Nam và nhận được câu trả lời của PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội, đồng thời là Chủ tịch kì thi MYTS năm 2019.
Các thí sinh trao đổi về đề thi Tìm kiếm tài năng toán học trẻ MYTS 2019 ngay sau khi rời phòng thi. Ảnh KH&ĐS. |
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên Hội tổ chức cuộc thi này và Ban chấp hành Hội nhiệm kì 2018-2023 mới tiếp quản các công việc từ tháng 8/2018. Một trong những nhiệm vụ của Hội là quảng bá kiến thức, tạo hứng thú và đam mê học toán cho học sinh.
Bên cạnh cuộc thi MYTS, năm 2019 sẽ là năm thứ 27 Hội tổ chức kì thi Olympic toán học sinh viên-học sinh toàn quốc cho các sinh viên đại học, cao đẳng và học sinh trung học phổ thông chuyên.
Hội muốn tổ chức một cuộc thi để có thể thúc đẩy sự đổi mới tư duy trong giảng dạy cũng như học tập của học sinh ở phổ thông, thay cho lối giảng dạy cũ, truyền thống; Tăng tư duy sáng tạo và khả năng ứng dụng toán học trong thực tế cho các thầy cô giáo và học sinh.
"Khi làm đề thi thì bao giờ cũng có sự tham khảo đề nguồn do các thầy cô giáo đóng góp. Lỗi của Ban khảo thí năm 2016 là đã không kiểm tra kỹ.
Tuy nhiên, vì 2016 là năm đầu tiên tổ chức thi nên có thể có sơ suất. Còn dạng thức các kì thi trên thế giới bao giờ cũng có những điểm tương tự", PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh nói.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho biết, những năm gần đây Hội và Ban tổ chức đã luôn nhắc nhở Ban khảo thí chú ý việc đó và đảm bảo đề thi có chất lượng và tính khách quan cao. Trong các năm 2017 và 2018 Hội chưa nhận được phản hồi gì về đề thi.
Hơn nữa, theo PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, cuộc thi MYTS không phải là cuộc thi tính vào thành tích gì đó mà đơn thuần là cuộc thi mang tính phong trào.
Đã là phong trào, sân chơi thì các phụ huynh, các thầy cô giáo và những người quan tâm không nên quá căng thẳng. Thay vào đó cần tạo niềm vui cho học sinh, thúc đẩy sự đổi mới trong việc dạy và học toán ở các trường phổ thông.
"Lỗi sơ suất về chuyên môn cách đây 3 năm, nếu xảy ra, đúng là không ai mong muốn. Nhưng việc đó không làm ảnh hưởng tới dư luận xã hội hay gây bức xúc quá lớn nên tôi không nghĩ đến mức phải giải trình.
Ban khảo thí năm nay Hội giao cho một chuyên gia rất có uy tín phụ trách. Và các thành viên Ban khảo thí đều được lựa chọn từ những thầy cô có trình độ và nhiều kinh nghiệm", PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh chia sẻ.
Đối với ý kiến về việc Hội Toán học Việt Nam liên kết, "bảo trợ cho một tổ chức kinh doanh để trục lợi", PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh khẳng định không có chuyện đó.
Thứ nhất, chuyện liên kết xuất phát từ việc ý tưởng tổ chức cuộc thi là của một thầy giáo, nguyên là một giảng viên đại học đam mê toán và giảng dạy toán bằng tiếng Anh.
Khi Hội có ý định tổ chức sân chơi cho học sinh thì chính giảng viên này là người cung cấp ý tưởng tổ chức cuộc thi.
Hội Toán học cũng đã có nhiều thảo luận về việc này. Có thể trong thời gian tới sẽ có những thay đổi trong việc tổ chức kì thi. Nhưng hiện tại Ban tổ chức cuộc thi phải tôn trọng ý tưởng của người đưa ra.
Từ năm 2017, người đưa ý tưởng chỉ là một thành viên ban tổ chức, tham gia một phần của công việc tổ chức kỳ thi. Còn về việc ra đề thi thì thành viên ban tổ chức này không liên quan gì và cũng không có tên trong Ban khảo thí.
Hơn nữa, các tổ chức khoa học - giáo dục, cũng như các trường, viện nghiên cứu khi tổ chức sự kiện khoa học hay giáo dục vẫn có thể hợp tác với một đơn vị để tổ chức sự kiện, PR, marketing.
Ở đây công việc của thành viên ban tổ chức nói trên cũng đơn thuần như vậy, cho nên cũng là chuyện bình thường.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh khẳng định, việc cho rằng Hội Toán học Việt Nam bảo trợ cho một trung tâm giáo dục để trục lợi chỉ là hiểu lầm.
Một số thành viên của Ban tổ chức cuộc thi cũng vẫn tham gia giảng dạy, nếu Hội bảo không được tham gia BTC vì đã có đi dạy, thì vô lý.
Còn các thành viên Ban khảo thí là những người trực tiếp tuyển chọn và ra đề thi thì không tham gia luyện thi ở bất cứ trung tâm nào.
"Việc một số thành viên ban tổ chức kì thi có tham gia giảng dạy, điều đó Hội không thể cấm được. Nhưng Hội có thể khẳng định công việc ra đề thi của Ban khảo thí và việc “luyện thi” của một số cá nhân hay trung tâm là không liên quan", PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh nói.