<div> <div> <p>UBND TP Hà Nội vừa động thổ gói thầu số 2 - xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch (dài hơn 11 km, sâu từ 6-19 m) và cống chính thuộc dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Động thái này nhằm làm hồi sinh sông Tô Lịch vốn lâu nay được đánh giá là sông "chết" giữa lòng thủ đô.</p> <p><b>Phải tách nguồn nước thải</b></p> <p>Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội - cho biết gói thầu thu gom nước thải này có chiều dài 21 km, trong đó tuyến cống bao dọc sông Tô Lịch dài 11,4 km (đầu đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy đến cầu Quang, huyện Thanh Trì).</p> <p>"Để không phải giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, gói thầu được thiết kế trên cơ sở khoan kích ngầm. Đây là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội và việc đào ngầm ở độ sâu từ 6-19 m giúp giảm thiểu rủi ro, mất an toàn trong thi công so với đào mở" - ông Hùng khẳng định. Cũng theo ông Hùng, trong quá trình rà soát thiết kế dự án, Ban Quản lý dự án và tư vấn đã điều chỉnh phương án đặt cống từ dưới lòng đường hoặc hai bên bờ sông xuống dưới lòng sông, qua đó giảm thiểu xung đột hệ thống công trình ngầm và không phá vỡ công trình, tiện ích, hạ tầng đô thị hiện có.</p> <div> <div><img alt="Hồi sinh sông Tô Lịch để phát triển đồng bộ - Ảnh 1." data-original="https://nld.mediacdn.vn/2020/5/30/5-anh-trang-53105-1590842912245544749762.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/05/31/nld-mediacdn-vn_5-anh-trang-53105-1590842912245544749762.jpg" title="Hồi sinh sông Tô Lịch để phát triển đồng bộ - Ảnh 1." /></div> <div> <p placeholder="[nhập chú thích]">Hà Nội đang đặt nhiều kỳ vọng trong việc làm sạch sông Tô Lịch. Ảnh: NGÔ NHUNG</p> </div> </div> <p>TP Hà Nội đã lựa chọn một công ty của Nhật Bản triển khai gói thầu xây dựng hệ thống bao cho sông Tô Lịch và cống chính thuộc dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Các kỹ sư Nhật Bản sẽ trực tiếp thực hiện dự án với tổng tiến độ thi công dự kiến trong 4 năm. Hà Nội đã có nhiều phương án thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch nhưng đều không mang lại hiệu quả cao hoặc chỉ hiệu quả được một thời gian. Các chuyên gia về xử lý sông hồ đều khẳng định chỉ khi tách được nguồn nước thải đổ thẳng ra sông Tô Lịch như hiện nay thì con sông này mới hồi sinh. Kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - cho biết dự án lần này đã được trao đổi rất kỹ bởi các nhà khoa học. Đây là giải pháp căn cơ, giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Tô Lịch.</p> <p>Theo PGS-TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm nghiên cứu về sông hồ ở Hà Nội, giới khoa học và các nhà nghiên cứu rất tin tưởng, ủng hộ dự án lần này của thủ đô. Đây được xem là giải pháp tối ưu giải quyết dứt điểm nước thải sinh hoạt tại sông Tô Lịch. Việc cải tạo dòng sông Tô Lịch mang ý nghĩa lớn lao cho Hà Nội, bởi Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của kinh thành Thăng Long xưa.</p> <p><b>Cần quy hoạch chi tiết</b></p> <p>KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng hệ thống sông của Hà Nội trong đó có sông Tô Lịch là ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cho thủ đô. Các sông như: Tô Lịch, Hồng, Kim Ngưu, Sét, Nhuệ… là nét đặc thù, tạo cho Hà Nội trở thành khu vực "tụ thủy", "tụ nhân".</p> <p>Từ trước đến nay, chính quyền Hà Nội luôn chú trọng đến quản lý, phát triển các dòng sông, trong quy hoạch chung năm 1998 cũng đã có quy hoạch chi tiết cảnh quan 2 bên dòng sông Tô Lịch nhằm tận dụng lợi thế của sông, không chỉ giải quyết về mặt cải tạo môi trường mà còn tạo ra những giá trị di sản nhằm phát phát triển văn hóa, kinh tế. Hà Nội cần có những quy hoạch chi tiết để quản lý chặt, không nên phân đoạn nhỏ để giải quyết mà phải nhìn tổng thể để phát triển đồng bộ từ các con sông. Từ đó, sẽ kế thừa được những giá trị văn hiến, thế mạnh từ đời xưa của Hà Nội để phát triển văn hóa, du lịch tích cực hơn.</p> <p>Chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng từ trước đến nay, Hà Nội đã bàn và đặt ra vấn đề triển khai những tuyến du lịch trên mặt nước, khai thác cảnh quan xung quanh sông Tô Lịch nhưng cần kế thừa và phát huy tối đa các thế mạnh để khi dòng sông Tô Lịch được hồi sinh thì kết hợp khai thác hiệu quả nhất.</p> <p>TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, nhìn nhận nhiều nước có sông nhỏ hơn Tô Lịch nhưng phát triển du lịch rất tốt. Cần tận dụng lợi thế của sông Tô Lịch để khi cải thiện môi trường nước, sẽ đồng bộ phát triển những giá trị văn hóa, du lịch. </p> <div> <div> <p><b>Cấp nước cho sông Tô Lịch</b></p> <p>Một lãnh đạo Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho biết khi Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, nguồn nước thải sinh hoạt sẽ được tách riêng để xử lý. Vì vậy, nếu không bổ cấp nước thì sông Tô Lịch sẽ cạn. Hiện đơn vị này đã đề xuất ý tưởng để các nhà khoa học xây dựng phương án và đã đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt thực hiện dự án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cấp nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Trạm bơm bổ cấp này giúp duy trì ổn định mực nước hồ Tây, liên tục cải thiện chất lượng nước hồ, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững cho các loài thủy sinh trong hồ. Việc cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch cũng sẽ được điều tiết nước từ hồ Tây qua 2 cửa xả. TS Đào Trọng Tứ cho hay ngoài phương án bổ cấp nước từ sông Hồng, các nhà khoa học đang nghiên cứu phương án sau khi đưa nguồn nước thải về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ xây dựng hệ thống đưa nước đã qua xử lý trở lại bổ cấp cho sông Tô Lịch.</p> </div> </div> </div> </div> <p> </p>