Nhiều văn bản đang kìm hãm xuất khẩu
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - CIEM, khối lượng văn bản pháp lý của Việt Nam tăng lên rất nhiều, gây khó khăn, lúng túng không chỉ cho doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý. Chất lượng văn bản còn chưa cao và thường xuyên thay đổi, dẫn tới thực trạng các doanh nghiệp không kịp chuẩn bị để đáp ứng theo.
Một số văn bản được điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhưng vẫn có những quy định lại gây trở ngại nhiều hơn. Kiểm tra chuyên ngành hiện nay đang hoạt động vượt mức nhưng lại không áp dụng được rộng rãi thông lệ Quốc tế.
Đơn cử như quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài đối với hàng xuất khẩu tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP (NĐ) đang gây rất nhiều khó khăn, lãng phí tiền bạc và thời gian cho doanh nghiệp. Cụ thể, NĐ 74 yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu vừa phải có Giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu ở nước ngoài vừa phải có Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (trung tâm MSMV Quốc gia GS1) thuộc TCTCĐLCL. Mọi thủ tục liên quan đến NĐ này không làm trực tuyến được.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho rằng, việc xác nhận sử dụng MSMV nước ngoài là hoàn toàn không có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác quản lý Nhà nước, cũng không có cơ sở pháp lý. Ngoài ra, thủ tục cấp giấy còn thủ công, do một cơ quan duy nhất thực hiện. Điều này trái với định hướng và chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh. Quy định pháp lý của các nước nhập khẩu không hề có yêu cầu này. Thực tế, hơn 20 năm qua, thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu chưa từng bị kiểm tra – xử phạt hay có vướng mắc nào về MSMV đăng ký ở nước ngoài.
Ngoài ra, ông Nam cũng băn khoăn về những bất cập trong việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với ngành hàng thủy sản chế biến thành sơ chế. Việc áp thuế sai khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản phải chịu thiệt rất lớn, khi con số thuế phải nộp chênh lên tới 20%.
Hiện nay, ngoài Trung Quốc, các nước khác trên thế giới không có quy định thu kinh phí công đoàn (2%) như Việt Nam. Theo ông Nam, đối với những doanh nghiệp sử dụng lượng lớn lao động, chiếm 80 - 90% kim ngạch xuất khẩu, việc thu này cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp rất nhiều.
Đại diện của Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcharm) quan ngại về Dự thảo sửa đổi Nghị định 43/2017, quy định về nhãn hàng hóa gây tốn kém cho doanh nghiệp và không phù hợp với thực tiễn cũng như thông lệ Quốc tế.
Hàng xuất khẩu bị đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo, yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng tới 8 thông số. Trong khi Nhật Bản chỉ có 5 thông số quan trọng.
“Một loạt nhưng quy định không phù hợp với thực tiễn, với những chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan bộ ngành đang kìm hãm, bóp nghẹt xuất khẩu hàng hóa Việt Nam” - ông Nguyễn Quang Huy, đại diện đến từ Eurocham - nhận định.
Muốn hội nhập phải thay đổi từ bên trong
Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, cấp độ cao hơn và sâu hơn, với việc tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, 13 FTA đã có hiệu lực và còn 3 FTA đang đàm phán.
Đối với xuất khẩu, các FTA, đặc biệt là EVFTA gần đây là cú hích lớn giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
FTA này sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại thông qua các cam kết cắt giảm thuế quan và mở rộng thị trường, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và tăng cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, những cam kết với đối tác nước ngoài không tạo áp lực đủ lớn để thúc đẩy cải cách kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới. Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam phải xuất phát từ nhu cầu nội sinh, vì chính sự phát triển của kinh tế Việt Nam chứ không phải vì áp đặt từ bên ngoài.
“Chúng ta mới chỉ nói nhiều về các FTA, đặc biệt là EVFTA gần đây, nhưng mới chỉ là nói, bàn về nó là chính, chứ hầu như chưa thực hiện được gì. Hiện, EU và Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam rất ít. Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU còn thấp. Đó là do thể chế và luật lệ của chúng ta”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, bên trong hệ thống pháp luật Việt Nam có “8 không”: Không rõ ràng, không cụ thể, không hợp lý, không minh bạch, không hiệu quả, không hiệu lực, không ổn định và không tiên liệu được.
Không tiên liệu được đặt người kinh doanh, nhà đầu tư vào một tình thế rủi ro về pháp lý rất lớn. Các nhà đầu tư EU và Hoa Kỳ không thể chấp nhận được rủi ro đó, không chấp nhận được những thứ phi chính thức. Muốn hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam phải tự thúc đẩy mình, cải cách thể chế, thay vì chỉ ngồi bàn luận về lợi ích xa vời.
“Các cơ quan quản lý thấy doanh nghiệp chưa đủ rắc rối, chưa đủ vấn đề thì nghĩ ra vấn đề để tạo áp lực cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện đang đầy rẫy những rào cản, không thể lớn được. Mà doanh nghiệp không lớn nổi thì làm sao có đối tác từ EU hay Hoa Kỳ được. Vì vậy, chỉ khi giải quyết được những vấn đề nội tại, chúng ta mới tận dụng được cơ hội. Từ cơ hội của người này sẽ tạo ra cơ hội cho người khác, tạo ra sức cộng hưởng rất lớn” - TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ thêm.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam. |
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ châu Âu tại Việt Nam hoàn toàn đồng ý với TS Nguyễn Đình Cung khi cho rằng, những FTA, những nhà nhập khẩu, đầu tư bên ngoài sẽ cho Việt Nam cơ hội, ý tưởng. Nhưng để tận dụng được cơ hội, Việt Nam phải biết tự thân cải cách thể chế, tức là phải giải quyết những vấn đề trong nước trước tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Các FTA, cụ thể EVFTA quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, Việt Nam cần tạo ra sân chơi minh bạch và bình đẳng hơn để tham gia vào bức tranh chuỗi giá trị toàn cầu.