Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 9 chương, 115 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
Trước khi các đại biểu biểu quyết thông qua dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã giải trình một số nội dung, trong đó có nội dung về sách giáo khoa.
Có ý kiến đề nghị quy định sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định, lâu dài. Có ý kiến đề nghị giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa; có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền cho Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, ý kiến của đa số đại biểu đồng ý pháp điển hóa Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội XIII về: Có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành sách giáo khoa sử dụng trong cả nước.
Về thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Điều 32 dự thảo Luật đã được chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Về Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về thành phần Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định sách giáo khoa và chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông là phù hợp với thẩm quyền chuyên môn mà vẫn bảo đảm tính khách quan.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xin được giữ như dự thảo Luật (Điều 32).