<div> <p>Theo Bộ GD&ĐT, trước<b> </b>phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát.</p> <p>Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.</p> <p>Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài "Cua, cò và đàn cá" trang 115, bài "Hai con ngựa" trang 157, bài "Lừa, thỏ và cọp" trang 163,…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "quà… quà", "chén",… </p> <p>Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài "đa nghĩa", nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.</p> <div><span>Bộ GD&ĐT cũng thông tin thêm, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, đơn vị đã phê duyệt 5 bộ SGK (trong đó có bộ sách Cánh Diều. Với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy (SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều là 1 trong số 46 quyền SGK lớp 1 được phê duyệt vừa qua). </span></div> <p>Các bộ SGK được phê duyệt theo đúng quy định, dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục với 1/3 thành viên là nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy môn học này ở cấp học tương ứng. Tất cả các quyển SGK được Bộ phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, không còn sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK như trước đây.</p> <p>Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai chương trình GDPT theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ SGK khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất, trong đó SGK có vài trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức biên soạn, phát hành SGK theo hình thức xã hội hóa. Vì vậy, việc được nhận các ý kiến góp ý, thậm chí là phê bình sẽ giúp các tác giả, hội đồng thẩm định và Bộ GD&ĐT làm tốt hơn việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt SGK các lớp học tiếp theo.</p> <p class="article-author cms-author"> </p> </div>