Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em có biểu hiện thế nào?

Trẻ em mắc COVID-19 thường nhẹ, chỉ có 1 số ít bị bệnh nặng nhưng các triệu chứng có thể kéo dài sau nhiễm virus nên cha mẹ cần chú ý.

TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam cho biết, khi bị nhiễm SARS-CoV 2, hầu hết trẻ em không có triệu chứng hoặc mắc bệnh ở mức độ nhẹ, chỉ có một số trẻ em bị bệnh nặng.

Trong đó, một số trẻ có thể mắc hội chứng MIS-C - Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

Triệu chứng điển hình của MIS-C là: Sốt vẫn tiếp diễn kèm theo nhiều hơn một trong những triệu chứng sau: Đau bụng; Mắt đỏ ngầu; Tiêu chảy; Chóng mặt hoặc choáng váng (dấu hiệu của huyết áp thấp); Da phát ban; Nôn ói... Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em sẽ có tất cả các triệu chứng giống nhau.

hoi-chung-hau-covid-19-o-tre.jpg

Trẻ em cũng có thể mắc hội chứng Hậu COVID-19

Khi trẻ bị MIS – C phần lớn được điều trị khỏi, nhưng có 1,7% tử vong. Trẻ mắc bệnh nền (béo phì, mắc bệnh tim, khuyết tật phức tạp) có xu hướng dễ bị COVID-19 nặng hơn. 

Tuy nhiên, trẻ em cũng có thể mắc hội chứng hậu COVID.

Tại Anh, hơn 1/2 trẻ 6-16 tuổi có ít nhất 1 triệu chứng kéo dài hơn 120 ngày. Một báo cáo khác cho thấy 12.9% trẻ 2-11 tuổi, 14.5% trẻ 12-16 tuổi vẫn còn triệu chứng COVID -19 ở thời điểm 5 tuần sau nhiễm virus.

Theo báo cáo ở Israel, 11% trẻ từ 3-18 tuổi có triệu chứng hậu COVID-19, trong số này, 1.8% trẻ <12 tuổi và 4.6% trẻ 12-18 tuổi vẫn còn triệu chứng 6 tháng sau khi khỏi bệnh và tình trạng này có dấu hiệu tăng dần theo tuổi.

Một thống kê ở Nga cũng cho thấy 1/3 trẻ mắc COVID-19 vẫn còn triệu chứng 5 tháng sau khi ra viện.

Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ này có thể cao hơn thực tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần quan tâm và nghiên cứu.

Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm chú ý đến sức khỏe của trẻ sau khi bị COVID-19 đã điều trị khỏi.

Theo Đời sống
back to top