<p>Rutin – hoạt chất của hoa hòe có tác dụng giúp nâng cao độ đàn hồi của mạch máu và giảm tính thấm của mao mạch, giảm trương lực cơ trơn và chống co thắt, giảm tác dụng của adrenalin trong cơ thể. Do vậy, người ta thường dùng Hòe hoa để giảm huyết áp và phòng các biến chứng của huyết áp cao như: xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não.</p> <p>Theo <em>Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam </em>của GS.TS. Đỗ Tất Lợi:</p> <p>Hoa hòe là hoa của cây hòe, còn được gọi là hòe mễ, hòe hoa mễ, hòe hoa.</p> <p>Tên khoa học Sophora japonica L.Thuộc họ cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).</p> <p>Thường dùng hoa hòe hay hòe hoa (Flos Sophorae japonicae) là hoa sấy khô của cây hòe. Đôi khi dùng quả hòe là gọi là hòe giác (Fructus Sophorae japonicae).</p> <h2><strong>Mô tả</strong></h2> <p>Mô tả: hoa hòe là một cây thuốc nam quý. Cây cao 7 - 10m, có khi tới 25m, nhánh nhỏ màu xanh lục, có lông hoặc không có lông. Lá lông chim lẻ, mọc so le, dài 15 - 25cm, lá chét 7 - 15 phiến, hình trứng hoặc hình trứng hẹp, dài 3 - 6cm, mép nguyên, mặt trên có lông và phấn trắng. Hoa nhỏ màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn, dài 15 - 30cm, quả đậu thắt lại ở giữa các hạt, chất nạc, chủng tử 1 - 6 hạt màu đen hình thận.Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi trong nước ta, có nhiều ở miền Bắc Việt Nam. Trồng bằng hạt hoặc dâm cành.</p> <p>Phân biệt: hoa hòe thường cánh hoa đã rơi rụng, nếu còn nguyên thì có 5 cánh hoa, màu trắng vàng, rất mỏng, trong số đó hai cánh hoa tương đối to, hình gần tròn, đỉnh hơi lõm, cuộn lật ra phía ngoài, các cành hoa khác hình tròn dài. Phía dưới các cánh hoa có đài hoa hình chuông màu lục. Giữa kẽ cánh hoa có các nhụy màu vàng nâu, giống như những sợi râu và một nhụy hình trụ nhưng uốn cong. Chất nhẹ, khi khô dễ bị vụn nát, không mùi, vị hơi đắng.</p> <p>Thu hái, sơ chế: vào mùa hè khi hoa sắp nở. Hoa phải hái lúc còn nụ mới. Phơi hoặc sấy khô. Thứ hoa đầu sắp nở nhưng chưa nở, nguyên vẹn, không vụn nát, màu vàng, không tạp chất là loại tốt.</p> <p>Bào chế:</p> <p>Dùng hòe hoa phải dùng vào lúc hoa chưa nở, để lâu năm càng tốt. Khi dùng vào thuốc thì sao vàng để dùng.</p> <p>Hái hoa lúc còn nụ, phơi hay sấy khô, dùng sống hay sao hơi vàng để pha nước uống, hoặc cho vào nồi đất đun to lửa sao cháy tồn tính 7/10, để cầm máu.</p> <p>Thành phần hóa học: trong hoa hòe có từ 6 - 30% rutin (rutozit). Rutin là một glucosit, thủy phân sẽ cho quexitin hay quexetola, glucose và ramnoza.Trong quả cũng có rutin. Rutin là một chất có tinh thể hình trâm nhỏ màu vàng hay trắng vàng, tan trong 10.000 phần nước, 650 phần rượu, tan nhiều trong rượu methylic và dung dịch kiềm.</p> <h2><strong>Tác dụng dược lý</strong></h2> <p>Rutin là một loại vitamin P có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch. Thiếu chất vitamin này tính chất chịu đựng của thành mao mạch có thể bị giảm, mao mạch dễ bị đứt, vỡ, hiện tượng này trước đây người ta chỉ cho rằng do thiếu vitamin C mà có, gần đây phát hiện sự liên quan đối với vitamin P.</p> <p><strong>Tác dụngcầm máu:</strong></p> <p>Hoa hòe có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, sao thành than tác dụng càng tăng.</p> <div> <ul style="display: flex;"> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> </ul> </div> <p><strong>Tác dụng với mao mạch:</strong></p> <p>Hoa hòe có tác dụng giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mao mạch.</p> <p><strong>Tác dụng hạ mỡ trong máu: </strong></p> <p>Hòe bì có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu của gan và ở cửa động mạch, giúp phòng ngừa xơ mỡ động mạch.</p> <h2><strong>Công dụng và liều dùng</strong></h2> <p><strong>Tính chất hoa hòe theo tài liệu cổ:</strong></p> <p>Hoa vị đắng,tính bình,quả vị đắng tính hàn. Hoa vào hai kinh can và đại tràng. Quả vào kinh can, có tác dụng lương huyết thanh nhiệt, chỉ huyết(hoa). Quả tính chất gần như hoa nhưng có thể gây ra thai. Dùng chữa xích bạch lỵ, trĩ ra máu, thổ huyết, chảy máu cam, phụ nữ băng huyết.</p> <p>Hiện nay nhân dân dùng hoa hòe làm thuốc cầm máu, dùng trong những bệnh ho ra máu, đổ máu cam, tiểu tiện ra máu, ruột chảy máu. Ngày uống 5 - 20g dưới dạng thuốc sắc.</p> <p>Rutin thường dùng cho người bệnh bị cao huyết áp mà mao mạch dễ vỡ, để đề phòng đứt mạch máu não, xuất huyết cấp tính do viêm thận, xuất huyết ở phổi mà không rõ nguyên nhân, còn có tác dụng đối với bệnh tăng huyết áp.</p> <p><strong>Hoa hoè sao đen:</strong></p> <p>Trị chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu, đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, dễ cáu gắt.Ngày dùng 8 - 12g dạng thuốc hãm hoặc sắc.</p> <p><strong>Hoa hòe sao vàng:</strong></p> <p>Chữa cao huyết áp, đau mắt. Ngày dùng 12 - 16g dạng thuốc hãm hoặc sắc. Quả hòe có công dụng gần như hoa nhưng có thể gây ra thai.</p> <p><strong>Cách dùng, liều lượng:</strong></p> <p>Ngày dùng 8 - 10g, dạng thuốc hãm hoặc sắc, hoặc dùng 0,5 - 3g dạng bột hoặc viên. Quả sao tồn tính chữa đại tiện ra máu.</p> <p><strong>Cách pha trà hoa hòe:</strong></p> <p>Dùng khoảng 20 - 30g hoa hòe khô, cho vào ấm, sau đó rót nước vừa đun sôi vào, với lượng nước khoảng 300ml tức là10g hoa hòe tương đương 100ml nước. Sau đó đợi khoảng 3 - 5 phút sau khi hoa hòe ngấm nước chìm xuống là có thể dùng được. Nếu hoa hòe chưa chìm xuống là do bạn dùng nước chưa thật sôi.</p> <p>Ngoài ra, có thể có thể cho hoa hòe vào ấm sau đó bạn đổ nước và đun sôi trong vòng 1 - 2 phút. <strong><em> </em></strong></p> <p style="text-align: right;"><strong>BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ</strong></p> <div> <div> <div> <div> </div> <div> </div> </div> </div> <div> <div> </div> </div> </div>