Ngày tựu trường theo đúng lịch của Bộ GD&ĐT vào 1/9 và khai giảng vào 5/9 (học sinh lớp 1 tựu trường sớm nhất ngày 23/8). Tuy nhiên, học sinh tại TP.HCM khó đến trường được thời gian này.
Học sinh TP.HCM vẫn chưa biết khi nào mới có thể đến trường trở lại. Ảnh minh họa: Y Kiện. |
Khai giảng online cho học sinh lớp 9, 12
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng tình hình dịch hiện tại ở TP.HCM chưa biết thời điểm kết thúc. Hơn nữa, rất nhiều cơ sở trường lớp từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên của TP.HCM đang được trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung, điểm tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.
"Với những trường học được dùng làm khu cách ly, để giải phóng được hàng trăm con người phải mất thời gian ít nhất hai tuần, sau khi bàn giao lại, các trường phải phục hồi lại cơ sở vật chất, có thời gian tiêu độc, khử trùng. Tổng cộng lại, các trường cũng mất hơn một tháng trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, TP.HCM có đủ cơ sở cách ly mà không cần dùng đến trường học", thầy Phú thông tin.
Ông cho rằng việc Bộ GD&ĐT cho phép các địa phương linh động trong sắp xếp khung thời gian năm học nhưng lại chốt đầu ra là thời điểm kết thúc năm học không trễ hoặc sớm quá 15 ngày so với lịch của bộ đưa ra là áp lực rất lớn đối với công tác quản lý đối của các địa phương như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Trong bối cảnh này, thầy Phú nêu TP.HCM và các trường sẽ xây dựng nhiều phương án để bước vào năm học mới. Nếu ngành giáo dục chờ dịch được khống chế hoàn toàn để đến trường trực tiếp là điều rất khó. Nhưng học online, các gia đình đông con sẽ khó xoay sở thiết bị, trong khi kinh tế các gia đình ngày càng khó khăn, nhiều công nhân, lao động chân tay bị mất việc hai tháng nay.
Ông đề xuất TP.HCM có thể bắt đầu năm học mới bằng hình thức online đối với học sinh lớp 9, 12, ở một số môn cơ bản để các em có thể hoàn thành chương trình, tham gia vào các kỳ thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT. Các khối lớp khác có thể hoãn khai giảng đến tháng 10.
Theo thầy Phú, phương án bắt đầu năm học mới bằng hình thức online có thể tính đến nhưng không thể thực hiện đồng loạt ở các lớp. Ảnh: Hoàng Giám. |
Tuyển sinh đầu cấp, sách vở năm học mới còn ngổn ngang
Thầy Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), cũng nhận định khó có khả năng học sinh TP.HCM được tựu trường trong nửa đầu tháng 9.
Ngoài yếu tố cơ sở vật chất các trường học đang được trưng dụng để phục vụ công tác chống dịch, công tác tuyển sinh đầu cấp vẫn chưa hoàn thiện.
"Học sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10 vẫn chưa biết mình học trường nào, lớp nào thì tựu trường làm sao?", thầy nói.
Ông cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác tuyển sinh đầu cấp chỉ mới được triển khai trực tuyến. Dù vậy, để hoàn thành việc tuyển sinh, các trường bắt buộc phải tiến hành bước nhận hồ sơ xác nhận nhập học từ phụ huynh.
"Quận Bình Thạnh và nhiều quận huyện khác đang tiến hành tuyển sinh vào lớp 1 trực tuyến. Tiến độ này rất chậm so với mọi năm. Khi dịch giảm, phụ huynh đi nộp hồ sơ, các trường mới xác nhận nhập học cho học sinh. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng khiến phụ huynh không thể đăng ký trực tuyến, phải đến trường làm trực tiếp. Như vậy, dịch chưa giảm, phụ huynh không thể đến trường thì không cách nào hoàn thành việc tuyển sinh lớp 1", thầy Phương cho biết.
Theo ông phương án khai giảng online rồi bước vào năm học chính khóa bằng hình thức trực tuyến là rất khó, ít nhất với học sinh lớp 1, 2 và trẻ mầm non. Trẻ ở độ tuổi này không thể học online.
Nhận định một cách lạc quan, tích cực, thầy Phương hy vọng đến nửa cuối tháng 9, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM được kiểm soát, ổn định, thật sự an toàn. Thành phố quay lại cuộc sống bình thường mới thì học sinh mới có thể đến trường.
Một trưởng phòng đào tạo một quận của TP.HCM cho rằng ưu tiên lớn nhất của thành phố lúc này là khống chế dịch bệnh. Đến nay, chúng ta vẫn không thể chắc chắn thời điểm dịch bệnh "hạ nhiệt" nhưng không vì thế mà lùi thời gian khai giảng năm học mãi.
Theo người này, nếu qua 15/9, TP.HCM vẫn chưa trở lại cuộc sống bình thường mới, phương án khai giảng và học online cần phải thực hiện nhưng phải hạn chế một số khối lớp nhất định. Bậc tiểu học cần phải xem xét có cần phải học online không.
"Chúng ta cần nghĩ đến trường hợp một gia đình 2 con trở lên thì máy móc không thể nào đáp ứng cho cả 2 cùng học online một lúc. Việc học online có thể tính đến nhưng phải theo khối lớp, vào những thời điểm hợp lý để không tạo thêm gánh nặng, ức chế cho phụ huynh", trưởng phòng đào tạo nói.
Chia sẻ thêm về việc học online, ông cho rằng học sinh lớp 6, lớp 2 năm nay sẽ còn gặp khó nhiều hơn khi các em phải học sách giáo khoa mới nhưng đến hiện tại thì vẫn chưa "thấy mặt mũi sách mới". Nếu TP.HCM còn tiếp tục giãn cách xã hội thì không chỉ lớp 2, 6 mà tất cả khối lớp còn gặp khó khi tìm mua sách, vở cho năm học 2021-2022.
Hiện các trường tư thục trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa chốt kế hoạch tựu trường, học online bởi đang chờ khung thời gian năm học cụ thể do UBND thành phố ban hành.