Học sinh thừa cân béo phì tăng nhanh: Gánh nặng kép về dinh dưỡng học đường

Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi giảm nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em 5-19 tuổi tăng nhanh từ 8,5 lên 19% trong 10 năm.

Đó là thông tin PGS.TS Bùi PGS-TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng cho biết tại buổi nói chuyện chuyên đề về dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em dưới 16 tuổi do Viện Dinh dưỡng tổ chức chiều ngày 25/12.

Gánh nặng kép về dinh dưỡng

PGS.TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng cho hay, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, hầu hết các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2010 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Về dinh dưỡng học đường, chúng ta đang phải đối mặt với gánh nặng kép.

PGS.TS. Bùi Thị Nhung trình bày về tình trạng dinh dưỡng của học sinh tại buổi nói chuyện

PGS.TS. Bùi Thị Nhung trình bày về tình trạng dinh dưỡng của học sinh tại buổi nói chuyện

PGS.TS Nhung phân tích, giai đoạn tiền học đường và học đường là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển thể chất, trí lực và tầm vóc của trẻ và nguy cơ bệnh tật khi trưởng thành. Sau 10 thực hiện chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng 2011-2020, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, hầu hết các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2010 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc đã giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020 (mức < 20% được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới).

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em từ 5-19 tuổi cũng đã giảm từ 24,3% năm 2010 xuống 14,8% năm 2020. Giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở lứa tuổi tiền học đường và học đường trong giai đoạn này cũng đã góp phần cải thiện chiều cao của thanh niên Việt Nam.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tới chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng: tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn cao ở khu vực miền núi, cao nguyên…và vấn đề thừa cân, béo phì tăng nhanh ở cả khu vực nông thôn và thành thị.

Sau 10 năm tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em 5-19 tuổi đã tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Thừa cân, béo phì gây ra nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành.

Kết quả điều tra trên 5028 học sinh tại 75 trường của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Nghệ An, tỉnh Sóc Trăng năm 2017-2018 cho thấy gánh nặng kép về dinh dưỡng của học sinh đã nghiêng về phía thừa cân, béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng: tỷ lệ nhẹ cân, gầy còm và thấp còi của học sinh tiểu học ở vùng thành thị nhìn chung khá thấp lần lượt là 3,7%; 5,5% và 3,9 %; Ở vùng nông thôn là 13,4%, 8,7%; 10,7%.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì của học sinh tiểu học chung cho cả khu vực nông thôn và thành thị là 29,0%, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (41,9% và 17,8%).

Đối với học sinh trung học cơ sở tỷ lệ gầy còm và thấp còi cũng khá thấp ở vùng thành thị lần lượt là 3,4%; và 3,8%; Ở vùng nông thôn, tỷ lệ gầy còm là 15,6% và 20,1%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì chung của học sinh trung học cơ sở ở hai khu vực là 19,3%, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (30,5% và 11,2%).

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em cũng đã được cải thiện rõ rệt sau 10 năm: tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 5-59 tháng tuổi đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 9,5% năm 2020. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 5-9 tuổi là 4,9% (2020) ở mức nhẹ về sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thiếu hoạt động thể lực là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng kép về dinh dưỡng học đường

Thiếu hoạt động thể lực là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng kép về dinh dưỡng học đường

Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 5-59 tháng đã giảm từ 29,2% năm 2010 xuống 19,6% năm 2020, tỷ lệ thiếu máu của trẻ em 5-9 tuổi và 10-14 tuổi năm 2020 là 9,2% và 8,4%, đều ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nhẹ theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới.

Nguyên nhân gánh nặng kép về dinh dưỡng học đường là do: Chế độ ăn không cân bằng, không đa dạng; Trẻ thích ăn thức ăn chế biến sẵn, thức ăn có nhiều chất béo;Trẻ không thích ăn cá, tôm, cua, hải sản;Trẻ không thích ăn rau; Thiếu hoạt động thể lực...

Cần sự phối hợp để giải quyết thách thức về dinh dưỡng và sức khỏe học đường

PGS.TS. Bùi Thị Nhung cho biết, trong giai đoạn này có rất nhiều nghiên cứu về thực trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường và tiền học đường đã được triển khai, trên cơ sở đó các giải pháp, chính sách cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường và tiền học đường cũng đã được nghiên cứu, xây dựng và triển khai.

Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi học đường, theo PGS.TS Nhung cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường: trong đó bữa ăn học đường, giáo dục dinh dưỡng học đường, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để cải thiện để giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh, có nếp sống năng động là rất quan trọng.

Đây là một trong những thách thức về dinh dưỡng và sức khỏe học đường trong giai đoạn tới mà chúng ta cần phải tiếp tục xây dựng các giải pháp về dinh dưỡng ở tại nhà trường và gia đình, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Đẩy mạnh các hoạt động dinh dưỡng học đường

Đẩy mạnh các hoạt động dinh dưỡng học đường

Đẩy mạnh các hoạt động dinh dưỡng học đường là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội góp phần vào sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ cho trẻ em, học sinh, sinh viên nhằm thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/2/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030

“Trong giai đoạn 2021-2030, giáo dục dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ em. Học sinh và gia đình cần có kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, từng bước thay đổi thói quen ăn uống, giúp trẻ hình thành hành vi ăn uống tốt cho sức khỏe, biết cách lựa chọn các thực phẩm an toàn, hạn chế sử dụng thực phẩm không an toàn, không lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực và có nếp sống năng động, tích cực để có cơ thể khỏe mạnh, tăng trưởng chiều cao tốt, phòng chống thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Cần xây dựng giáo trình và chương trình giáo dục dinh dưỡng lồng ghép vào giờ sinh hoạt. Tập huấn về chương trình giáo dục dinh dưỡng cho giáo viên và có đánh giá định kỳ phục vụ cho công tác tập huấn nhắc lại và điều chỉnh chương trình”,

PGS.TS.Bùi Thị Nhung, nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Viện Dinh dưỡng sẽ có những đề xuất các hoạt động để cải thiện bữa ăn học đường; Giáo dục dinh dưỡng học đường cho tất cả các cấp học; Tiêu chuẩn thực phẩm bán ở căng tin trường học; Xây dựng và triển khai mạng lưới giám sát quốc gia về tình trạng dinh dưỡng học đường cho tất cả các cấp học;Xây dựng và triển khai chương trình can thiệp phòng chống và kiểm soát thừa cân, béo phì cho trẻ em cho tất cả các cấp học; Triển khai các nghiên cứu theo dõi, đánh giá biến động tình trạng dinh dưỡng của học sinh và các giải pháp can thiệp tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để cho trẻ có chế độ ăn khoa học, hài hòa giữa ở nhà và ở trường, từ đó hình thành thói quen ăn uống lành mạnh...

Theo Đời sống
back to top