<div> <p>Quyết định được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch chiều 7/2 sau khi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị cho học sinh nghỉ thêm một tuần. Hôm qua, Sở này đã có tờ trình với <span>đề xuất</span> tương tự sau khi thống nhất về chuyên môn với Sở Y tế thành phố.</p> <p>Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu các trường khử trùng lần hai vào cuối tuần này và lần ba vào ngày 15-16/2. "Trường mầm non cần đặc biệt chú trọng việc khử trùng vì các cháu còn nhỏ, chưa ý thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh và bảo vệ bản thân", ông Chung nói và yêu cầu khi học sinh đi học trở lại, các trường phải có đủ nước sát khuẩn đặt tại lớp học.</p> <p>Học sinh Hà Nội đã nghỉ Tết Canh Tý 8 ngày, từ 22 đến 29/1. Sau hai ngày đi học bình thường 30-31/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định cho các em nghỉ một tuần (từ 3 đến 9/2) để phòng chống dịch corona. Trong thời gian này, khoảng 3.000 trường học trên địa bàn tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng. Hiện, Hà Nội chưa phát hiện ca dương tính với nCoV nào.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Học sinh Hà Nội đeo khẩu trang trong lớp học múa chiều 31/1. Ảnh: Ngọc Thành" src="https://khds.1cdn.vn/2020/01/29/hoc-sinh-hn-8269-1580984580.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Học sinh Hà Nội đeo khẩu trang trong lớp học múa chiều 31/1. Ảnh: <em>Ngọc Thành</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Như vậy, với quyết định mới của Hà Nội, đến chiều 7/2 có <span>50 tỉnh, thành</span> thông báo cho học sinh nghỉ đến ngày 16/2. Các địa phương gồm Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Điện Biên, Nghệ An cho học sinh nghỉ tới khi có thông báo tiếp theo.</p> <p>Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm qua đã họp và thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành căn cứ tình hình thực tế kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm một tuần nữa, trong đó có thể xem xét nghỉ toàn diện hoặc nghỉ học cục bộ, đảm bảo mục tiêu cao nhất vì sự an toàn của học sinh và cộng đồng.</p> <p>Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn các địa phương để tổ chức kế hoạch học tập phù hợp với điều kiện thực tế, bù lại thời gian nghỉ học do dịch bệnh. Bộ khuyến khích các nhà trường áp dụng hình thức học tập trực tuyến nhằm hướng dẫn học sinh tự học trong thời gian nghỉ. Trường hợp cần thiết, Bộ sẽ xem xét lùi thời gian kết thúc năm học.</p> <p>Đối với bậc đại học, hơn 100 trường đã điều chỉnh lịch quay trở lại học tập đến hết tuần này. Nhiều trường gia hạn cho sinh viên nghỉ thêm một tuần nữa (đến 16/2), như: Đại học Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Công nghiệp thực phẩm TP HCM, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thậm chí, Đại học Thái Nguyên cho sinh viên nghỉ tới 1/3, Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long nghỉ tới 9/3.</p> <p>Ở khối trường nghề, 895 cơ sở trường học cho học viên nghỉ hết ngày 9/2 phòng chống dịch nCoV. Trong khi đó, hơn 150 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác vẫn bố trí cho người học bình thường.</p> <div> <p>Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tới sáng 7/2, 636 người ở Trung Quốc đại lục, một người ở Hong Kong và một người ở Philippines tử vong; hơn 31.400 người nhiễm; hơn 1.300 ca nhiễm đã phục hồi.</p> <p>Tổ chức Y tế Thế giới hôm 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hiện ngoài Trung Quốc, 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV.</p> <p>Việt Nam có 12 ca nhiễm bệnh, trong đó có nữ sinh lớp 10A2, trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.</p> </div> <p> </p> </div> <p> </p>