<div> <p>Dự thảo của Bộ GD&ĐT đang xây dựng, dự kiến sẽ áp dụng từ kỳ nghỉ hè năm sau, thông tin học sinh sẽ được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng. Thời gian kết thúc năm học là ngày 31/5. Thời gian bắt đầu năm học mới là từ 1/9.</p> <p>Thấy báo chí đăng tin Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị dự thảo để từ năm sau, học sinh nghỉ hè 3 tháng, chị Trần Liên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa mừng vừa lo. Chi lo lắng việc trông con nhưng cũng hy vọng đây là cơ hội để con “tạm thoát” khỏi áp lực học hành.</p> <p>“Bé nhà tôi vừa vào lớp 1 mà học hành nhồi nhét rất căng thẳng, mỗi lần học lại mếu máo. Giờ tôi chỉ mong có 3 tháng nghỉ hè trọn vẹn sẽ giúp con tự do vui chơi và vui vẻ trở lại”, chị Liên tâm sự.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Hoc sinh nghi he 3 thang anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/04/znews-photo-zadn-vn_hanoivaohex_12_zing.jpg" title="Học sinh nghỉ hè 3 tháng ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Kỳ nghỉ hè dài 3 tháng, học sinh có nhiều thời gian vui chơi, giải trí hơn. Ảnh minh họa: <em>Việt Linh.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3>Cho con học, chơi tùy thích</h3> <p>Là bà mẹ hai con, chị Trần Liên thừa nhận việc nghỉ hè 3 tháng sẽ khó khăn với phụ huynh, đặc biệt những nhà neo người, không nhờ ai trông hộ con được.</p> <p>Tuy nhiên, chị cho rằng thời gian nghỉ như vậy tốt cho trẻ. Các con cần nghỉ hè để đầu óc có khoảng thời gian để nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, con được tự do tham gia các hoạt động yêu thích như đá bóng, bơi lội.</p> <p>Vì thế, chị mong chờ kỳ nghỉ hè 3 tháng. Cậu con trai lớn thích học, chị sẽ sắp xếp để con theo học tiếng Anh tại trung tâm ngoài nhưng chỉ học 1-2 buổi/tuần. Thời gian còn lại, con có thể chơi thể thao hoặc tham gia hoạt động giải trí khác.</p> <p>Trong khi đó, cậu con trai thứ hai sợ học sẽ được vui chơi suốt 3 tháng. Chị quan niệm không nhồi nhét, ép con học hành quá nhiều, cho con tự do phát triển.</p> <p>Về vấn đề trông con, gia đình chị dự định để bé đầu (chuẩn bị lên lớp 8) tự trông nom, chăm sóc con nhỏ.</p> <p>Thông tin kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng cũng được chị Trúc Như (Phú Quốc) ủng hộ. Phụ huynh mong muốn cùng với việc kéo dài kỳ nghỉ, các trường cũng giảm bớt chương trình học.</p> <p>“Tôi không có ý định cho con học hè, chỉ mong con được trải qua tuổi thơ đúng nghĩa, sau này nhớ lại với ký ức vui vẻ”, bà mẹ có con học lớp 5 tâm sự.</p> <p>Từ năm sau, với thời gian nghỉ hè như vậy, chị Như dự định rèn cho con ở nhà một mình, tự chăm sóc để học làm việc nhà, sống tự lập hơn. Việc đăng ký các lớp học kỹ năng, năng khiếu sẽ tùy thuộc vào mong muốn của con gái.</p> <p>Trong khi đó, chị Phương Mai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại cho rằng nghỉ hè 3 tháng là quá dài. Như vậy, trẻ có thể quên kiến thức. Việc trông con trong thời gian nghỉ cũng là vấn đề nan giải.</p> <p>“Ngày trước nghỉ hè, chúng ta có thể tự ở nhà hoặc sang nhà bạn chơi. Nhưng với tình hình hiện nay, tôi không dám để con đi đâu một mình, cho con tự ở nhà cũng sợ”, chị Phương Mai nói.</p> <p>Vì thế, chị mong kỳ nghỉ chỉ kéo dài khoảng 1,5 tháng. Nếu nghỉ 3 tháng, chị đành gửi hai con về quê một tháng, rồi hai vợ chồng thay nhau nghỉ để ở nhà trông con hai tháng còn lại.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Hoc sinh nghi he 3 thang anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/04/znews-photo-zadn-vn_hoc_sinh.jpg" title="Học sinh nghỉ hè 3 tháng ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption default-caption"> <p>TS Vũ Thu Hương cho rằng cần có quy định chung, tránh tình trạng học sinh nghỉ hè những vẫn phải học thêm. Ảnh minh họa: <em>Việt Linh.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3>Nên quy định rõ ràng để trẻ nghỉ hè đúng nghĩa</h3> <p>TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, lại cho rằng có tình trạng nghỉ hè dài, trẻ quên kiến thức nhưng tỷ lệ không lớn.</p> <p>Hơn nữa, chương trình học các lớp được xây dựng theo kiểu xoay vòng rồi nâng cao lên. Trẻ được học đi, học lại nên khó quên kiến thức. Vì thế, lo lắng của phụ huynh có vẻ “hơi thừa”.</p> <p>Tuy nhiên, nếu sợ con quên, phụ huynh có thể sắp xếp cho con ôn tập. Song ở vấn đề này, bà cho rằng nếu cho trẻ học các lớp kỹ năng, phụ đạo, nâng cao theo nguyện vọng của phụ huynh, hợp tác với trường, Bộ GD&ĐT nên giới hạn thời gian để cho trẻ thực sự được nghỉ hè.</p> <p>“Hiện nay, nhiều học sinh dành cả kỳ nghỉ hè chỉ để học. Các con rất mệt mỏi, vào năm học mới, mất hết năng lượng, nhiệt tình đi học”, bà nêu thực trạng học hè.</p> <p>Về vấn đề chăm con thế nào khi trẻ nghỉ hè tận 3 tháng, TS Vũ Thu Hương cho rằng thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19 vừa qua cho thấy phụ huynh có thể sắp xếp được.</p> <p>Hơn nữa, thời gian nghỉ hè dài cũng tránh được tình trạng phụ huynh phó mặc việc dạy con cho nhà trường. 3 tháng sẽ là thời gian để kết nối gia đình, kịp thời nhận ra các mâu thuẫn để xử lý sớm.</p> <p>Vì thế, bà cảm thấy vui mừng khi học sinh được nghỉ hè 3 tháng. Như vậy, lễ khai giảng cũng trở lại đúng nghĩa, tức ngày đầu tiên của năm học mới.</p> <p>Dù vậy, bà lo lắng quy định này sẽ được thực hiện ở các trường, đặc biệt trường dân lập, quốc tế, như thế nào.</p> <p>Bà cũng mong muốn với kỳ nghỉ dài như vậy, bộ cần có quy định rõ ràng, tránh tình trạng “thả nổi”.</p> <p>Chuyên gia giáo dục đề xuất bộ quy định các kiến thức, kỹ năng phụ huynh cần cho trẻ rèn luyện trong hè.</p> <p>“Ví dụ, ở hè lớp 1, các con cần thành thục kỹ năng phòng chống xâm hại. Trong hè lớp 2, trẻ thành thạo kỹ năng ứng phó khi lạc đường. Lên cấp hai, học sinh cần tận dụng thời gian hè để học kỹ năng xây dựng, thực hiện kế hoạch, tham gia hoạt động xã hội”, bà Hương đề nghị.</p> <p>Bà nói thêm trường học ở một số nước châu Âu quy định trong kỳ nghỉ hè, học sinh cần đọc các tác phẩm văn học kinh điển và viết lại cảm nhận. Nước ta cũng có thể áp dụng cách tương tự.</p> <p>Ngoài ra, với kỳ nghỉ hè dài, điều bà quan tâm là vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ.</p> <p>“Nhiều gia đình cho con về quê nhưng ông bà không để ý dạy nên các con có thể gặp tai nạn như đuối nước, hỏa hoạn, bị xâm hại. Trẻ em ở thành phố cũng gặp rất nhiều vấn đề như tai nạn thang máy, thang bộ, ngã từ tầng cao xuống”, bà Hương cảnh báo.</p> <p>Vì thế, TS Vũ Thu Hương đề nghị phụ huynh dạy con về vấn đề an toàn từ bé, bắt đầu khi con mới 2-3 tuổi. Theo bà, người lớn dạy càng sớm, nhắc nhở càng nhiều, trẻ càng ghi nhớ tốt và phản xạ nhạy hơn.</p> <p>Ông Nguyễn Quốc Vương - người từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản, cho rằng nghỉ hè là dịp tốt để học sinh về gia đình, địa phương sinh hoạt, trải nghiệm cuộc sống. Qua đó, trẻ học hỏi kỹ năng sống, cách thức giao tiếp, rèn luyện năng lực thích nghi với đời sống và đặc biệt là học cách lao động và trân trọng giá trị của lao động.</p> <p>Trong xã hội ngày nay, nếu quan sát, ta sẽ thấy có rất nhiều học sinh không biết làm việc nhà hay giúp đỡ cha mẹ hàng ngày. Đây là điều không có lợi cho giáo dục và tạo ra những thế hệ ỷ lại trong cả tư duy và sinh hoạt.</p> <p>Các em trở thành người lớn nhưng không tự lập được về tư duy và sinh hoạt, sẽ gây ra hệ lụy không chỉ cho cá nhân, mà còn làm suy yếu cộng đồng.</p> <p><span>Học sinh</span> nghỉ hè đủ, đúng cách, còn giúp tạo ra quãng thời gian “thong thả” cho giáo viên nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình. Giáo viên là nghề không nhàn như nhiều người tưởng. Giáo viên cũng rất cần thời gian dài nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.</p> </div>