<div> <p>Theo danh sách mà trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam công bố, có tổng cộng 933 học sinh đủ điều kiện dự xét tuyển vào lớp 6 của hệ THCS năm nay. Trường chỉ tuyển 200 chỉ tiêu, tỉ lệ chọi là 1 – 5. Đáng chú ý, bảng điểm “đẹp như mơ” của các thí sinh đủ điều kiện dự tuyển vào trường khiến nhiều người quan tâm.</p> <p>Hầu hết học sinh đều đạt điểm 10 các bài kiểm tra định kỳ môn học ở tất cả 5 năm học tiểu học, rất hiếm em có 1 điểm 9 trong cả 5 năm. Sau khi bức ảnh chụp danh sách này được chia sẻ trên một diễn đàn quan tâm giáo dục, nhiều người đã phải thốt lên, các em học sinh này toàn “thần đồng”, “nhân tài”…</p> <p>Bảng điểm đẹp như này xuất phát từ chính quy định trong hướng dẫn công tác tuyển sinh lớp 6 năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội đối với Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.</p> <figure class="image" contenteditable="false"><img alt="Học bạ siêu nhân toàn điểm 10 dự thi vào trường Ams: Hiện tượng xã hội không hiếm! - 1" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/06/02/ngo-ngang-danh-cach-hoc-badocx-1559458910538.jpeg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/02/ngo-ngang-danh-cach-hoc-badocx-1559458910538(1).jpeg" title="Học bạ siêu nhân toàn điểm 10 dự thi vào trường Ams: Hiện tượng xã hội không hiếm! - 1" /> <figcaption>Bảng danh sách thí sinh dự tuyển Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam với học bạ gần như toàn điểm 10 trong suốt 5 năm tiểu học khiến dư luận “choáng váng”.</figcaption> </figure> <p>Năm nay, lần đầu tiên trường này sử dụng phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6. Quy định mà Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra là vòng sơ tuyển học bạ của học sinh sẽ phải đạt hầu hết là 10. Với những quy định chặt chẽ từ vòng sơ loại, nên đến bước cuối cùng là thi kiểm tra đánh giá năng lực, số thí sinh dự tuyển của trường Ams ít hơn hẳn và toàn là những thí sinh đạt điểm học bạ “khủng”.</p> <p>Cụ thể, để dự tuyển, đối tượng tuyển sinh phải đảm bảo đủ các điều kiện sau: Tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn Toán và Tiếng Việt của 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Như vậy, các bài kiểm tra phải đạt điểm trong khoảng từ 9 đến 10 điểm.</p> <p>Cuối các năm học lớp 3, lớp 4 và lớp 5 học sinh phải đạt danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.</p> <p>Năm lớp 3, học sinh phải đạt tổng điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn Toán, Tiếng Việt phải là 20 điểm. Như vậy, cả hai môn đều phải đạt điểm 10.</p> <p>Năm lớp 4 và 5, tổng điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm 4 môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý đạt 40 điểm/lớp. Như vậy, từng năm, học sinh phải có cùng lúc 4 bài kiểm tra đạt điểm 10.</p> <p>Điểm sơ tuyển sẽ là tổng điểm học tập cấp tiểu học và điểm ưu tiên đạt từ 139 điểm trở lên.</p> <p>Kết thúc vòng xét tuyển, thí sinh lọt vào vòng trong sẽ tham gia đánh giá năng lực với ba bài kiểm tra môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, thời gian mỗi môn dài 45 phút, điểm tính theo thang 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến hai chữ số thập phân.Vòng kiểm tra, đánh giá năng lực diễn ra vào ngày 11/6.</p> <p>Điểm tuyển sinh vào trường là tổng điểm của ba bài kiểm tra. Căn cứ điểm chuẩn vào trường, xét điểm thi từ cao đến thấp, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển đủ chỉ tiêu được giao là 200.</p> <p>Hiện, bảng danh sách học bạ “khủng” vẫn đang nhận được sự quan tâm tranh luận của nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh.</p> <p>“Thế mới biết vào Ams là cả quá trình phấn đấu”, phụ huynh T.Huệ bình luận.</p> <p>“Học sinh Ams giỏi thì không phải bàn nhưng vẫn thấy quan ngại bệnh chạy thành tích. Văn toàn 10 thì khả năng rập khuôn, máy móc chứ còn gì là sáng tạo, ý tưởng nữa ạ”, N.T. Như nhận xét.</p> <p>“Biết là phải lọc bớt nhưng xuất sắc toàn diện là không tưởng và kèm theo đó là bệnh thành tích, chẳng hiểu điểm của bố mẹ hay của con”, một phụ huynh khác nói.</p> <p>Trao đổi với <em>PV </em>Dân trí về bảng điểm “đẹp như mơ” đang được lan truyền, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Đánh giá học sinh của chúng ta hiện nay chưa thực sự phân loại tốt học trò, chưa căn cứ vào kết quả học sinh thực sự, nhiều khi các thầy cô phải ủng hộ mục tiêu thi cử của các cháu. Bởi vậy, muốn sử dụng bảng điểm, học bạ để xét tuyển phải thay đổi cách đánh giá của các trường cho phù hợp.</p> <p>Cấp 1 thực hiện không chấm điểm nhưng vẫn lấy một số điểm kiểm tra để tổng kết, tôi cho rằng chưa có sự nhất quán. Quan trọng các thầy cô ở tiểu học phải nhận thức được, phần đánh giá cần khách quan, giúp các em thay đổi phát triển.</p> <figure class="image" contenteditable="false"><img alt="Học bạ siêu nhân toàn điểm 10 dự thi vào trường Ams: Hiện tượng xã hội không hiếm! - 2" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/06/02/ngo-ngang-danh-cach-hoc-badocx-1559458910643.jpeg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/02/ngo-ngang-danh-cach-hoc-badocx-1559458910643.jpeg" title="Học bạ siêu nhân toàn điểm 10 dự thi vào trường Ams: Hiện tượng xã hội không hiếm! - 2" /> <figcaption> <p>Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội (Ảnh: Lệ Thu).</p> </figcaption> </figure> <p>“Bảng điểm siêu nhân” trong thời đại ngày nay là một hiện tượng xã hội không hiếm. Mặc khác, tôi cho rằng mô hình trường chuyên hiện nay chưa phục vụ cho việc đào tạo phát triển tài năng. Chúng ta chỉ tạo môi trường học tập được Nhà nước, bố mẹ đầu tư cho các con chứ không căn cứ vào từng loại học sinh một để phát triển cho khả năng. Bởi mỗi học sinh có một khả năng riêng và có tới 8 loại hình trí thông minh thì phải có cách đào tạo khác nhau.</p> <p>Bảng điểm tuyệt đối mỏi mắt khó tìm điểm 9 phần nào biểu hiện “cơn sốt” chạy theo điểm số, không chỉ học sinh phải vùi đầu vào sách vở mà cả các phụ huynh cũng phải “chạy theo”…</p> <p><strong>Lệ Thu</strong></p> </div> <p> </p>