Hàng loạt các trường tăng học phí trong năm học mới
Năm học 2021 - 2022, học phí Đại học Bách Khoa Hà Nội theo chương trình chuẩn dự kiến từ 22 đến 28 triệu đồng/năm (năm 2020 - 2021 là từ 17 - 25 triệu đồng), chương trình tiên tiến về Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10) là từ 50 - 60 triệu đồng/năm, so năm học 2020 với mức 45 - 50 triệu đồng/năm đã tăng từ 5 - 10 triệu đồng. Các ngành Công nghệ thông tin Việt-Pháp (IT-EP, IT-EPx), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x) cũng áp dụng mức học phí này. Chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) học phí lên đến 80 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Y dược TPHCM đã áp dụng mức học phí khóa 2020 tăng lên 30 - 70 triệu đồng/năm và mức học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.
Theo đề án tuyển sinh năm 2021 của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ năm học 2021 - 2022, mức học phí cao nhất không vượt quá 32 triệu đồng cho các ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt và không quá 28 triệu đồng cho các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng. Năm nay, mức học phí sẽ không còn ưu tiên sinh viên có hộ khẩu đến từ TPHCM như năm 2020 mà sẽ tăng đều tất cả.
Trường Đại học Bách khoa TPHCM (Đại học Quốc gia TPHCM) dự kiến tăng học phí với tất cả ngành đào tạo, trong đó mức học phí chương trình đại trà tăng hơn gấp đôi - từ 12 triệu đồng một năm lên 25 triệu đồng (tương đương 2,5 triệu đồng mỗi tháng cho năm học 10 tháng). Mức thu này sẽ tăng lên 27,5 triệu đồng ở năm thứ hai và lên 30 triệu đồng ở năm thứ ba, giữ nguyên trong năm cuối.
Cũng thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Kinh tế - Luật dự kiến thu học phí chương trình đại trà là 18,9 triệu đồng một năm học, tăng gấp đôi so với mức hiện tại (9,8 triệu đồng). Chương trình chất lượng cao, chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp trung bình 27,8 triệu đồng/năm học; chất lượng cao bằng tiếng Anh trung bình 46,3 triệu đồng.
Việc các trường đồng loạt tăng học phí trong năm học mới và theo lộ trình các năm tiếp theo khiến người dân lo lắng, liệu học phí sẽ tăng đến đâu? Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn liệu có đủ sức theo học đại học hay không?
Tăng theo lộ trình và trong khung quy định
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, theo lộ trình tăng học phí từ năm 2020 - 2025, mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.
Theo lý giải của đại diện từ các trường đại học, việc tăng học phí nằm trong lộ trình tự chủ của các trường nhằm lấy thu bù chi, tính đúng tính đủ, nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, liệu có phải các trường tự chủ có “thoải mái” tăng theo quy định được hay không, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, không phải là các trường muốn tăng học phí bao nhiêu thì tăng mà vẫn phải nằm trong khung học phí.
Lý do là vì, theo cơ chế tự chủ, các trường sẽ phải xây dựng lộ trình tăng học phí dựa trên cơ sở giải trình rất rõ mức thu đó được sử dụng vào mục đích gì. Tức là phải có cơ cấu về xây dựng mức thu và cũng phải nằm trong khung được Nhà nước quy định.
Về việc có cần tăng học phí hay không, ông Cường cho biết, trong bối cảnh thực hiện tự chủ, khi Nhà nước không đầu tư ngân sách nữa, thậm chí là tự chủ đến mức tự chủ cả đầu tư, thì xu hướng tăng học phí là tất yếu.
Tuy nhiên, khi tăng học phí, phải có thông báo và có lộ trình ngay từ khi tuyển sinh để cho học sinh biết bắt đầu vào trường sẽ phải đóng học phí bao nhiêu và hằng năm lộ trình tăng thế nào.
Đối với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường luôn cam kết nếu điều chỉnh học phí hằng năm thì không vượt quá 10%. Tất cả những lần điều chỉnh trước đây chỉ tăng từ 5 - 7%, chưa bao giờ đến mức 10% cả.
Cho đến thời điểm này, mức học phí năm học tới vẫn chưa chốt là bao nhiêu, nhưng mức học phí sẽ tăng không đáng kể. Hệ chính quy cùng lắm tăng 1 triệu đồng/năm, học phí theo từng nhóm ngành sẽ dao động 15 - 20 triệu đồng/năm. Còn về cơ bản các em được tuyển vào trước năm 2021 vẫn đóng mức học phí cũ.
Đối với những học sinh nghèo, theo quy định hiện hành, các trường phải dành ít nhất là 8% mức thu đó để thành học bổng cho người học. Ngoài ra, sẽ có các huy động khác để trở thành những nguồn hỗ trợ cho người học. Đặc biệt, những đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng được Nhà nước hỗ trợ bằng mức mà học phí cơ bản của Nhà nước quy định.
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo là không đúng. Bởi học phí chỉ là một phần trong chi phí đào tạo. Nếu nói như vậy, thì có nghĩa học phí bù lại toàn bộ chi phí cho việc học. Trần của học phí, dù là trường công hay trường tư đều phải phù hợp với khả năng chịu đựng của người dân. Phải xem người dân có chịu đựng được mức học phí như vậy hay không?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội, khuyên thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt là mức học phí trong suốt 4 năm đại học. Tránh trường hợp có thí sinh trúng tuyển nhưng học phí quá cao không theo học được, rất đáng tiếc.