Hoa nhài chữa mất ngủ, đau mắt

(khoahocdoisong.vn) - Hoa nhài ngoài để làm cây cảnh, ướp trà còn là vị thuốc.

Hoa nhài có tên khoa học: Jasminum sambac (L.), Ait. thuộc họ Nhài - Oleaceae. Hoa màu trắng, thơm ngát. Quả hình cầu, màu đen bao bởi đài tồn tại, có 2 ngăn.

Thường dùng làm thuốc: Hoa, lá và rễ, vào mùa thu đông, đào lấy rễ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô. Lá thu hái quanh năm. Hoa thu hái vào hè thu, khi mới nở, dùng tươi hay phơi khô.

Theo y học cổ truyền, hoa và lá nhài có vị cay và ngọt, tính mát. Hoa, lá có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, lợi thấp. Rễ hơi có độc; có tác dụng trấn thống, gây tê, an thần.

Công dụng: Hoa và lá dùng trị ngoại cảm phát sốt, đau bụng, ỉa chảy, lỵ, mụn nhọt độc. Hoa sắc nước dùng rửa mặt, chữa viêm màng khoé mắt và màng mộng, chữa trẻ em lên sởi có sốt, sởi mọc không đều. Lá cũng dùng trị bạch đới. Lá khô ngâm trong nước rồi làm thành dạng thuốc đắp trị loét. Rễ trị mất ngủ, đòn ngã bị thương. Còn dùng để điều kinh. Cũng dùng nước sắc bôi trị viêm mũi, viêm giác mạc.

Liều dùng: 3-5g hoa, lá dạng thuốc sắc, còn dùng hoa pha làm trà uống; dùng 1-1,5g rễ nghiền trong nước. Người có thai và cơ thể suy nhược không nên dùng.

Đơn thuốc:

Ngoại cảm phát sốt, ỉa chảy: Hoa nhài 6g, chè xanh 10g, thảo quả 3g, sắc uống.

Đau mắt: Hoa nhài 6g, dùng riêng hay phối hợp với kim ngân hoa và hoa bạch cúc, mỗi vị 9g, đun sôi lấy nước xông rồi uống. Hoặc lấy lá giã vắt lấy nước, trộn với lòng trắng trứng gà đắp.

Mất ngủ: Rễ nhài 1-1,5g, nghiền trong nước, lấy hỗn dịch uống.

 Rôm sẩy: Lá nhài vò vào nước để tắm, có thể phối hợp với lá ngải cứu.

Lương y Minh Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu

Theo Đời sống
back to top