Hoa lựu vị thuốc độc đáo ít người biết đến
Lựu (Punica granatum) còn gọi là tháp lựu, thạch lựu, an thạch lựu, đan nhược, kim bàng, tạ lựu… là một loại cây nhỏ được trồng ở khắp nơi để làm cảnh, lấy quả ăn và làm thuốc.
Nhiều bộ phận trên cây lựu được làm thuốc chữa bệnh như: vỏ thân, vỏ rễ và đặc biệt là vỏ quả với công dụng sáp tràng được dùng làm thuốc chữa ỉa chảy, cầm máu, trừ giun, chuyên dùng để chữa các chứng bệnh như: lỏng lỵ mạn tính, tiện huyết, hoạt tinh, trĩ, khí hư, đau bụng do giun sán….
Đặc biệt, hoa lựu là một vị thuốc rất độc đáo ít người biết đến. Theo Đông y, hoa lựu vị chua sáp, tính bình, có tác dụng chữa chảy máu cam, nôn ra máu, kinh nguyệt không đều, bạch đới, khí hư, viêm tai giữa, đau răng, áp xe phổi…
Ho và nôn ra máu: Hoa lựu trắng tươi 24 đóa, đường phèn 15g, sắc uống.
Chảy máu mũi: Hoa lựu lượng vừa đủ, sấy khô, tán bột rồi lấy một chút thổi vào lỗ mũi. Hoặc: Hoa lựu 6g sắc uống. Cũng có thể lấy hoa lựu tươi rửa sạch, giã nát rồi nhét vào lỗ mũi.
Viêm loét miệng: Hoa lựu đốt tồn tính, tán bột rồi bôi vào chỗ loét, mỗi ngày 2 lần. Cho thêm một chút thanh đại thì càng tốt.
Viêm tai giữa: Hoa lựu lượng vừa đủ, sấy khô, cho thêm chút băng phiến rồi tán thành bột mịn, mỗi lần lấy một ít thổi vào tai bị bệnh. Hoặc: Hoa lựu 50g đem ngâm với 250 ml rượu trắng, sau 10 ngày thì lọc kỹ qua gạc vô trùng rồi cho thêm 4g băng phiến. Khi dùng, cần vệ sinh cho tai sạch mủ rồi nhỏ thuốc vào tai, mỗi ngày 3- 4 lần, mỗi lần 1-2 giọt.
BS Khánh Hoàng (Hội Đông y Việt Nam)