Có nhiều loại hoa hồng nhưng Đông y thường sử dụng hồng đỏ (mai khôi hoa) và trắng (hồng bạch) để làm thuốc. Để làm thuốc người ta thường hái những đoá hoa mới nở, bỏ đài, cuống, phơi trong bóng râm cho khô rồi cất vào lọ kín, không phơi nắng để khỏi tan hương vị của hoa.
Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính bình, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu, chữa ho, ho ra máu, tiện ra máu, kiết lị ra máu...Hoa hồng trắng chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, ngoài ra còn có tác dụng nhuận tràng.
Chữa ho: Hoa hồng bạch 3 bông; Hoa đu đủ 5 cái; đường phèn 10g. Nhặt cánh hoa cho vào bát cùng đường phèn, đem hấp nỗi cơm. Khi cơm gần chín, đường phèn tan hết là được, vắt lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa ho ra máu: Hoa hồng đỏ 5 bông; đậu đen 20g; rau diếp cá 20 lá; đường trắng 1 thìa cà phê. Nhặt lấy cánh hoa hồng, rau diếp cá rửa sạch thái nhỏ, đậu đen xay thành bột mịn, tất cả cho vào bát đem hấp cách thủy, khi chín ngày ăn 2 lần.
Chữa bệnh kiết lị ra máu: Hoa hồng đỏ khô 20g; lá mơ lông khô 15g; lá rau diếp cá khô 10g; vỏ lựu khô 5g. Sắc uống 3 lần trong ngày, mỗi lần 50ml nước thuốc.
LY Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)