Cây hồi có thân thẳng, cao từ 6- 10m, có cành nhẵn, thẳng, màu lục khi còn non và nâu xám khi già đi. Lá cây hồi mọc so le hình trứng thuôn hay hình mác, đầu hơi nhọn, rộng 3- 4cm, dài 8-12cm. Các bông hoa mọc đơn độc hoặc theo chùm, 2-3 cái ở nách lá. Cây hồi ra hoa từ tháng 3 đến tháng 5.
Hoa hồi được thu hái, phơi khô, thường kết hợp với quế để làm gia vị phở. Hoa hồi có tính ấm, giúp cơ thể ấm lên khi bị cảm lạnh hay cúm.
Quế kích thích hoạt động của não như một loại thuốc bổ, giúp loại trừ sự căng thẳng thần kinh cũng như suy giảm trí nhớ. Hoa hồi và quế kết hợp tạo mùi thơm cho phở và cũng là vị thuốc phòng cảm cúm, giảm căng thẳng.
Các món ăn có hoa hồi và quế cũng có tác dụng giảm đau xương khớp, vì trong quế có những hợp chất giúp giảm đau cho xương, hoa hồi tính ấm, tốt cho bệnh thấp khớp.
Với người hay bị đau lưng, hoa hồi sao khô, tán nhỏ, tẩm rượu dùng để xoa bóp trị đau lưng. Nhiều nhà thuốc đông y dùng bột hồi làm cao dán dán lên lưng mỗi lần bị đau cũng có tác dụng giảm đau.
Bên cạnh đó, hoa hồi còn có thể giúp cho hệ tiêu hóa tốt hơn nếu bị đầy hơi, chướng bụng khó chịu. Với người hay đau đầu, đau nửa đầu nếu dùng chút ít tinh dầu hoa hồi sẽ giảm nhanh cơn đau.