Hóa chất acetonitrile nguy hiểm mức độ nào?

Chuyên gia phân tích khi vào cơ thể, acetonitrile được chuyển hóa thành xyanua, một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng.

Ngày 24/12, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội báo cáo kết quả điều tra, giám sát và xử lý sự cố an toàn thực phẩm tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Vụ ngộ độc khiến 2 người tử vong, 20 người nhập viện cấp cứu được xác định do hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng do Công ty TNHH MTV NBC Pacific mang đến.

Vụ việc nghiêm trọng và được nhiều người quan tâm không chỉ vì số lượng lớn người liên quan mà còn do diễn biến nhanh chóng, với hai trường hợp tử vong trong thời gian ngắn sau bữa tiệc. Nhiều bệnh nhân nhập viện vẫn trong tình trạng nặng.

Vụ ngộ độc khiến 2 người chết, 20 người nhập viện cấp cứu được xác định do hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng. Ảnh: Myhsn.

Vụ ngộ độc khiến 2 người chết, 20 người nhập viện cấp cứu được xác định do hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng. Ảnh: Myhsn.

Dung môi công nghiệp cực độc

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết acetonitrile là một dung môi công nghiệp, được sử dụng phổ biến trong sản xuất hóa chất, dược phẩm và các ứng dụng kỹ thuật. Chất này không phải là thành phần tự nhiên trong rượu.

"Trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là methanol, không phải acetonitrile. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả, gây ngộ độc nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu acetonitrile được sử dụng một cách bất hợp pháp trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha trộn rượu giả thì ngộ độc chất này có thể xảy ra", PGS Thịnh nói.

Vị chuyên gia phân tích khi vào cơ thể, acetonitrile được chuyển hóa thành xyanua, một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Người hít phải acetonitrile có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như hắt hơi, tức ngực, ho, yếu tay chân, buồn nôn và nôn, buồn ngủ, nhịp tim không đều, co giật và ngất xỉu.

"Trong cơ thể, acetonitrile phân hủy để giải phóng xyanua. Các triệu chứng có thể xảy ra do bất kỳ loại phơi nhiễm nào với acetonitrile bao gồm qua da hoặc qua đường tiêu hóa", ông Thịnh nhấn mạnh.

Methanol nếu kết hợp acetonitrile khi nhiễm vào cơ thể sẽ phân giải thành hợp chất xyanua rất độc, có thể gây chết người.

Trong vụ ngộ độc tại bữa tiệc của trung tâm hội nghị ở Long Biên, ông Thịnh suy đoán khả năng can đựng rượu trước đó có chứa acetonitrile nhưng khi tái sử dụng súc rửa chưa sạch. Rượu là dung môi rất tốt hoà tan nên không loại trừ khả năng khi rót rượu vào acetonitrile còn dính lại ở can gây ra độc tố dẫn đến chết người.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Triệu chứng khi ngộ độc do acetonitrile

Trên thế giới, một số vụ ngộ độc liên quan đến acetonitrile được ghi nhận. Theo Europe PMC, báo cáo từ Tạp chí Y học Cấp cứu Mỹ mô tả trường hợp một phụ nữ 39 tuổi tự tử bằng cách uống 59 ml dung dịch chứa 99% acetonitrile.

Sau khoảng 12 giờ, bệnh nhân phát triển các triệu chứng ngộ độc xyanua với toan chuyển hóa nghiêm trọng, co giật và suy hô hấp. Bệnh nhân đã được điều trị thành công bằng sodium nitrite và sodium thiosulfate.

Một trường hợp khác được báo cáo trên Tạp chí Y học Sau đại học của Anh là trường hợp một phụ nữ 39 tuổi uống acetonitrile nhưng vẫn khỏe mạnh. Đến sau khoảng 24 giờ, bệnh nhân phát triển toan chuyển hóa nghiêm trọng và suy tim, dẫn đến tử vong.

Acetonitrile là một dung môi hữu cơ không màu, dễ cháy, thường được sử dụng trong sản xuất hóa chất, dược phẩm, sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), tổng hợp DNA và các ngành công nghiệp khác.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), acetonitrile có khả năng gây độc nghiêm trọng nếu hít, nuốt, hoặc tiếp xúc qua da. Trong môi trường làm việc, việc tiếp xúc với acetonitrile cần được kiểm soát nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn an toàn.

Bệnh nhân trong vụ ngộ độc đang được điều trị lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân trong vụ ngộ độc đang được điều trị lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Đối với những người tham gia bữa tiệc tại trung tâm hội nghị ở quận Long Biên, trường hợp khởi phát triệu chứng và nhập viện là ông N.V. T. Sau bữa tiệc trưa, khoảng 15h cùng ngày, ông T. có có biểu hiện say rượu, mất kiểm soát, triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đã đi vệ sinh nhiều lần. Đến 19h, ông T. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu.

Theo thông tin từ đơn vị này tối 24/12, tình trạng ông T. tiến triển tốt, ngưng lọc máu và thở máu.

"Hôm nay, bệnh nhân đã trở về trạng thái gần như bình thường, đã có thể nói chuyện, trao đổi công việc với mọi người. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và đánh giá các biến chứng, dự kiến xuất viện trong tuần tới", TS.BS Trần Thị Oanh, Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết.

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận tổng cộng 18 trường hợp nhập viện, trong đó 4 người ổn định sức khỏe và ra viện. 14 bệnh nhân còn lại được chẩn đoán hội chứng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc - toan chuyển hóa tăng lactate. Trong đó 5 người trong tình trạng nặng, đang được điều trị tích cực.

Bệnh viện Xanh Pôn điều trị 1 bệnh nhân với chẩn đoán rối loạn tiêu hóa. Hiện người bệnh này tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vận động bình thường.

Kết quả xét nghiệm mẫu máu các bệnh nhân cho thấy có acetonitrile và xyanua. Hàm lượng methanol thấp hoặc âm tính, kết hợp với bệnh cảnh của các bệnh nhân nhận định ngộ độc acetonitrile (acetonitrile khi vào cơ thể có thể chuyển hoá chậm thành xyanua gây ngộ độc với biểu hiện sau uống nhiều giờ).

*Tiêu đề bài viết do BTV đặt lại!

Theo Đời sống
back to top