Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường TPHCM thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ lò đốt rác bằng hồ quang điện nhiệt độ siêu cao trên 1.500 độ C để xử lý chất thải đặc biệt nguy hại”, chế tạo thành công sản phẩm thực tế. PGS.TS Lê Văn Lữ cho biết, nhóm đã chế tạo lò đốt rác bằng hồ quang điện công suất 100 kg/ngày (5 kg/giờ) có nhiệt độ siêu cao trên 1.500 độ C đáp ứng theo quy chuẩn. Lò đốt rác bằng hồ quang điện bao gồm cụm lò đốt rác, hệ xử lý khí thải (giải nhiệt, hấp thụ, hấp phụ) và cơ học khí (quạt hút tổng và ống khói), sử dụng hoàn toàn điện năng.
Cụm lò đốt rác có 2 buồng đốt chính là buồng đốt sơ cấp và thứ cấp, trong đó, buồng thứ cấp có dạng đứng, được phát nhiệt bằng bộ phát hồ quang có công suất từ 3,9 - 5,2kW ở điện áp 65V và dòng điện từ 60 - 80A, thanh điện cực bằng graphit được phủ lớp sơn bảo vệ là hỗn hợp nhôm – niken. Bộ phát nhiệt hồ quang được điều khiển tự động nhằm tối ưu công suất, đảm bảo tính liên tục, ổn định của ngọn lửa hồ quang, đồng thời được đảo chiều dòng điện theo chu kỳ nhằm hạn chế tiêu hao điện cực trong quá trình hoạt động phát hồ quang.
Kết quả tiến hành đốt thử nghiệm các loại rác thải có nguy cơ phát sinh dioxin/furans cao như nhựa PVC, cao su, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật và vải có nylon cho thấy, khi vận hành lò ở chế độ nhiệt độ buồng đốt thứ cấp trên 1.500 độ C, đảm bảo cho kết quả xử lý các thành phần khí thải đều có nồng độ đạt quy chuẩn kể cả thông số bụi, khí CO và dioxin/furans. Hiệu quả xử lý dioxin/furans rõ rệt, nồng độ dioxin/furans giảm 5 lần so với ở chế độ đốt thông thường trong cùng điều kiện đốt. Lò đốt rác hồ quang điện hoàn toàn phù hợp với các quy mô xử lý chất thải nguy hại đến chất thải có chứa hàm lượng halogen hữu cơ vượt ngưỡng nguy hại tại Việt Nam.