Dòng họ Hồ nhiều người được ghi danh khoa bảng.
Vừa dạy học vừa học
Hồ Phi Tích húy là Kỳ, sinh ngày 15/05 năm Ất Tỵ (1665) tại Hoàn Hậu (nay là Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ông là hậu duệ đời thứ 9 của Hồ Kha thuộc trung chi II dòng họ Hồ đại tộc, tức chi họ Hồ Phi, một chi họ đời nối đời khoa bảng, trung quân ái quốc.
Hồ Phi Tích là con trai thứ tư của cụ Hồ Thế Anh (còn gọi là Hồ Sĩ Anh), một người văn chương đức hạnh, thi đậu Giải nguyên hai lần, từng làm Tri huyện, huyện Kỳ Hoa, Hương Sơn, sau giữ chức Tham chính xứ Thái Nguyên, được tặng Thị lang bộ Hộ, phong tước Diễm Trạch hầu. Mẹ người họ Hồ tên là Từ Đức người làng Bèo Hậu nay là Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu.
Từ nhỏ Hồ Phi Tích đã là người thông minh mẫn tiệp, có chí khí; tuổi thơ đầy khó khăn vất vả, tuy cha làm quan nhưng thanh liêm nên gia cảnh bần hàn; đặc biệt, khi mẹ mất càng khó khăn hơn. Nhưng ông đã vượt qua khó khăn, vươn lên học hành đậu đạt, từng bước khẳng định tên tuổi trên con đường học vấn khoa danh.
Năm Giáp Tý (1684) Hồ Phi Tích tham gia kỳ thi Hương và đỗ đầu xứ… Để có tiền trang trải việc học, ông khăn gói ra Thăng Long tìm nơi dạy học và 12 năm vừa học để tiếp tục thi Hội, thi Đình, vừa dạy học kiếm tiền, học trò theo học có đến 500 người.
Ở Trường Quốc Tử Giám, Hồ Phi Tích là một trong bốn học trò đất Quỳnh Lưu thay nhau đứng đầu bảng và được suy tôn là “Quỳnh Lưu tứ hổ”.
Chính sự giản thanh
Năm Quý Dậu (1693) ông đỗ khoa Thiên Hạ Vọng Sĩ (khoa thi đặc biệt cho những người có danh vọng trong hàng sỹ phu để bổ dụng). Năm Đinh Sửu (1697), ông tham gia thi Hội, đậu Giải Nguyên, được bổ dụng làm quan Huấn đạo phủ Quốc Oai.
Vào thi Đình năm Canh Thìn (1700), ông đỗ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), được bổ nhiệm chức Hàn lâm viện Hiệu lý; sau 2 năm, được bổ làm quan ngoại nhiệm, giữ chức Đốc đồng Hải Dương, An Quảng.
Tại đây vì chính sự giản thanh (làm việc giản dị, không phiền nhiễu dân) mà trộm cắp yên, trước bắt bọn cầm đầu trộm cướp ở đất liền, sau bắt phá giặc bể, lập nhiều công tích được vua ban thưởng; xa gần đều khâm phục, một giải duyên hải bình yên.
Năm Mậu Tý (1708), ông được điều vào Nghệ An, giữ chức Phó Đốc thị, phụ trách tham mưu quân sự, cùng với Đốc trấn Nghệ An xử lý mọi việc quân, dân Nghệ An và châu Bố Chánh. Năm Kỷ Sửu (1709), ông được điều về Kinh đô, thăng chức Lại khoa Bộ cấp sự trung.
Năm Tân Mão (1711), ông dâng lên Vua bản điều trần nói về đường lối trị dân gồm 8 chương với lý lẽ rành mạch, kế sách ích nước, lợi dân, được vua Lê Dụ Tông khen ngợi và ban thưởng. Sau đó, ông được thăng chức Hộ khoa Cấp sự trung…
Năm Quý Tỵ (1713), “Trời hạn hán kéo dài, mất mùa, dân phải ăn vỏ cây, rễ cỏ, người chết đói đầy đường”. Đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình dân đói nghiêm trọng, ông được cử đi phát chẩn vùng này.
Ngoài kho gạo của quốc gia, ông kêu gọi sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, mở các cuộc quyên góp thóc gạo của nhà giàu cùng với quỹ “nghĩa thương”, phát hết cho dân; ông khuyến khích dân trồng cây ngắn ngày để có cái ăn qua nạn đói.
Nạn đói được đẩy lùi, dân viết sớ tâu lên Triều đình ân thưởng cho ông xứng đáng là vị “Nhân quan”. Năm Giáp Ngọ thăng quan chính thanh hoa rồi thăng tiếp Đại lý tự khanh và phụng sai làm giám đốc sứ Sơn Tây.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu