Ho ở trẻ em: Khi nào đi khám bác sĩ?

Mỗi năm trẻ bị từ 6-12 lần viêm đường hô hấp. Thuốc kháng sinh không giúp trị ho do virus. Vậy khi con ho, cha mẹ cần làm gì? TS.BS Lê Duy, Bệnh viện Nhi TƯ sẽ mách cách cho các mẹ.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ho là một trong những triệu chứng hay gặp ở trẻ em. Nguyên nhân phổ biến nhất của ho là viêm đường hô hấp, ví dụ như cảm lạnh. Lứa tuổi nhỏ có thể bị viêm đường hô hấp lên tới 6 đến 12 lần mỗi năm, nguyên nhân thường do vi-rút gây ra.

Thuốc kháng sinh không giúp điều trị ho do virus. Một số trẻ có thể ho trong nhiều tuần sau khi bị nhiễm vi-rút, trường hợp này được gọi là ho sau nhiễm vi-rút và thuốc kháng sinh cũng không có tác dụng. Đôi khi ho có thể do nhiễm vi khuẩn như viêm họng, viêm phổi. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Chăm sóc tại nhà

- Nếu con bạn khỏe mạnh và ho ít thì không đáng lo ngại lắm.

- Lưu ý: khói thuốc lá sẽ làm cho cơn ho nặng hơn, vì vậy điều quan trọng là bạn không để con mình tiếp xúc với khói thuốc.

- Thuốc ho ít có giá trị trong việc điều trị ho ở trẻ em; các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng một số loại thuốc ho có thể gây hại cho trẻ nhỏ. Thuốc ho nên hạn chế dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

- Trẻ em trên 6 tuổi chỉ nên dùng thuốc ho theo lời khuyên của chuyên gia y tế.

- Một số bằng chứng cho thấy mật ong có thể làm giảm mức độ và thời gian ho. Thường dùng vài ba ngày, cách dùng: uống một đến hai thìa cà phê mật ong 30 phút trước khi đi ngủ. Không dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, vì có thể có nguy cơ mắc một tình trạng hiếm gặp như gây yếu cơ.

Khi nào đi khám bác sĩ

- Nếu con bạn có vẻ mệt và bạn lo lắng, hãy đưa chúng đến bác sĩ để khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra con bạn để tìm các nguyên nhân gây ho khác.

- Nếu con bạn bị sốt cao, khó thở, bú không nhiều hoặc tã ướt ít hơn bình thường, hãy đưa trẻ đi khám.

- Một số cơn ho sau siêu vi có thể xuất hiện trong nhiều tuần sau khi con bạn khỏi bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như sau viêm tiểu phế quản. Điều này là bình thường. Nếu ho kéo dài nhiều tuần và bạn lo lắng, hãy đến khám bởi bác sĩ nhi khoa.

- Ho nặng tiếng hoặc ho có đờm kéo dài từ bốn tuần trở lên vì loại ho này có thể do các nguyên nhân khác.

Ho có thể là hen

Trẻ ho dai dẳng về đêm có thể bị hen. Thông thường, trẻ bị hen cũng sẽ có các triệu chứng khác, chẳng hạn như thở khò khè và khó thở. Nhiều trẻ bị hen thường bị dị ứng và chàm. Nếu bạn lo lắng rằng con bạn có thể bị hen, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị.

Những điểm cần ghi nhớ

- Ho là một vấn đề rất phổ biến đối với trẻ em và thường do nhiễm trùng đường hô hấp.

- Hầu hết trẻ nhỏ bị nhiễm trùng đường hô hấp từ 6 đến 12 lần một năm.

- Hầu hết các cơn ho không cần điều trị và sẽ không đáp ứng với thuốc kháng sinh.

- Thuốc ho không có lợi ích đã được chứng minh và có thể gây hại cho trẻ em dưới sáu tuổi.

- Mật ong có thể hữu ích, nhưng chỉ nên dùng cho trẻ trên 12 tháng tuổi.

TS.BS Lê Duy (Bệnh viện Nhi TƯ)

Theo Đời sống
back to top