Cúm vào thời điểm giao mùa là nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ, khi thời tiết lúc này thay đổi đột ngột, khó lường, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Cúm do các chủng virus cúm gây ra, thường để lại những tổn thương đường hô hấp trên và có thể gây viêm phế quản cấp, thậm chí viêm phổi nặng, đe dọa đến tính mạng trẻ nhỏ.
Thời tiết giao mùa thay đổi thất thường là nguyên nhân gián tiếp gây ra căn bệnh cúm mùa ở trẻ nhỏ (ảnh minh họa)
Cảm cúm nguy hiểm hơn khi nó có khả năng lây lan cao qua đường hô hấp, thường xảy ra vào thời điểm giao mùa. Cảm cúm thường sẽ xuất hiện triệu chứng khi trẻ đã nhiễm virus từ 2-3 ngày. Sau quãng thời gian “ủ bệnh”, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau: đau họng, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mắt nước mũi, sốt, ho, đau nhức người, mệt mỏi, đau đầu, da nóng đỏ.
Cảm cúm thông thường không biến chứng sẽ tự hết sau 7-10 ngày nhờ hệ miễn dịch của cơ thể trẻ. Mặc dù bệnh dễ mắc dễ khỏi, nhưng cảm cúm có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, xao nhãng việc ăn uống, học tập, rèn luyện thể chất… Bên cạnh đó, vì thấy những biểu hiện bệnh khá thông thường nên nhiều bậc cha mẹ chủ quan, để trẻ tự khỏi, tuy nhiên các bác sĩ đã khuyến cáo rằng bệnh nếu không chữa trị có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng (Ảnh minh hoạ)
Đặc biệt, những cơn ho dai dẳng gây phiền toái, mất ngủ, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, khi ho các tác nhân gây bệnh trong đường thở sẽ được phát tán vào không khí, làm tăng khả năng lây nhiễm cho cộng đồng. Vì vậy, việc phòng và trị bệnh luôn là một vấn đề được quan tâm đặc biệt trong những ngày giao mùa thời tiết ẩm ương.
Để phòng bệnh, trước tiên phải giữ vệ sinh cho trẻ thật tốt, súc họng hàng ngày bằng nước muối loãng và rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bệnh và vùng dịch. Khi ra ngoài phải mang khẩu trang để tránh khói bụi và các tác nhân gây bệnh tồn tại trong không khí.
Khoảng thời gian giao mùa là lúc chúng ta cần chú ý cho trẻ ăn uống đủ chất nhất trong năm, cần tăng cường các loại rau xanh, củ quả vào thực đơn hàng ngày. Ăn các loại rau xanh có chứa vitamin C, chất xơ và Folate giúp cơ thể tăng cường chất glucosinolate bởi đây là một chất quan trọng giúp cơ thể có thể chống lại bệnh ung thư và đặc biệt, nó có tác dụng rất lớn trong việc phòng chống cảm cúm.
Khi trẻ đã mắc bệnh, tuyệt đối không tự ý mua thuốc hay sử dụng thuốc theo đơn cũ, đơn của người khác. Sử dụng thuốc không phù hợp có thể làm bệnh diễn biến phức tạp và gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Chế độ ăn giàu dinh dưỡng, rau xanh, hoa quả có thể ngăn ngừa mắc cúm (ảnh minh họa)
Khi bị cảm cúm, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ đẩy lùi bệnh như nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng (tăng cường một số loại thực phẩm như tỏi, hành, gừng, tía tô, chanh, mật ong...), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan bệnh.
Cha mẹ có thể lựa chọn sử dụng các loại thảo dược tự nhiên để điều trị ho cho trẻ hiệu quả và an toàn, giúp trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
Tiêm phòng hàng năm là cách chủ động để phòng ngừa cúm (ảnh minh họa)
Đặc biệt, cảm cúm có thể chủ động phòng tránh bằng cách thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, tránh đến chỗ đông người khi có dịch, ăn uống đủ chất và tiêm vắc-xin phòng bệnh.