Xẹp phổi và tử vong nhanh
Anh Đỗ Văn P., 28 tuổi (Hà Nội) đang khỏe mạnh, trong lúc ngủ tự nhiên ho khan rồi thấy đau một bên ngực và khó thở. Đau lan lên cổ vai và xuống bụng. Bệnh dịu đi một chút sau đó tăng nhanh khiến anh không thở được, tím tái. Gia đình đưa anh đi cấp cứu, được kết luận tràn khí màng phổi tự phát (TKMPTP) kèm tràn máu màng phổi. Anh được mổ cấp cứu nội soi lồng ngực. Sau 24 giờ dẫn lưu đã hết bọt khí.
TS Trần Trọng Kiểm, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, tràn khí màng phổi là tình trạng phổi bị xẹp, không khí xâm nhập vào khoang màng phổi. Chính lượng khí này ép vào phía ngoài phổi và làm phổi xẹp xuống. Tràn khí màng phổi có thể xảy ra ở toàn bộ hoặc một phần phổi.
TKMPTP là tình trạng bệnh xuất hiện đột ngột và không rõ nguyên nhân. Đối tượng bị tràn khí màng phổi chủ yếu là người từ 20-40 tuổi, đặc biệt là những người cao và gầy. Một số các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị tràn khí màng phổi như: Nam giới, hút thuốc, di truyền và người có tiền sử các bệnh liên quan đến nhiễm trùng phổi hoặc tràn khí màng phổi...
Có nhiều nguyên nhân được cho là gây ra tình trạng TKMPTP. Các nguyên nhân này đều khó chẩn đoán. Bệnh thường xảy ra đột ngột, bao gồm đau ngực dữ dội, đau nhiều hơn khi hít thở, đôi khi triệu chứng đau ngực xuất hiện sau khi làm việc gắng sức hoặc ho khạc; bệnh nhân đột nhiên cảm thấy khó thở, mức độ tràn khí càng nhiều thì càng khó thở.
Khi bệnh nhân vật vã, tím tái, thở nhanh, thở nông, huyết áp tụt, mạch nhanh chứng tỏ bệnh đã trở nên nặng hơn.Trường hợp nặng bệnh nhân sẽ tím tái cục bộ, thở nhanh, huyết áp hạ, trụy mạch, ngừng tim, nếu không cấp cứu kíp thời có thể tử vong. Bệnh thường có các biến chứng như: Suy hô hấp giảm oxy máu, ngưng hô hấp tuần hoàn, tràn khí – máu màng phổi, dò phế quản màng phổi.
Cách ngăn ngừa tái phát
Có 2 dạng TKMPTP: TKMP nguyên phát thường hay gặp ở nam giới với tỉ lệ 75%, xảy ra ở những người trước đỏ khỏe mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do các bóng khí ở bề mặt phổi bị vỡ. Bệnh thường xảy ra ở bệnh nhân trẻ, khỏe mạnh không có bệnh lý phổi. Biểu hiện của bệnh thường khởi phát đột ngột tùy theo nguyên nhân, mức độ và thể loại TKMPTP nguyên phát mà có các biểu hiện khác nhau từ nhẹ đến nặng. 1/3 số trường hợp tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát sẽ tái phát
TKMPTP tái phát có tiên lượng xấu hơn, xảy ra ở những người có tiền sử bệnh phổi như lao phổi, viêm phổi, COPD, hen, xơ phổi kẽ lan tỏa...Bệnh thường gặp ở đối tượng bệnh nhân trên 30 tuổi.
Tỷ lệ tái phát TKMTTP là khoảng 30% bệnh nhân. Không có cách nào để phòng ngừa bệnh TKMPTP. Tuy nhiên, có một số biện pháp ngăn ngừa việc tái phát bệnh này trong vòng 2 năm sau điều trị khỏi như: Dừng hút thuốc; Tránh lặn sâu; Khi đi máy bay cần có dẫn lưu màng phổi....
Về điều trị, TS Trần Trọng Kiểm cho biết, đặt dẫn lưu khoang màng phổi hoặc chọc hút khí là một xử trí tạm thời, sau đặt phải chờ đợi vài ngày phổi nở và rút dẫn lưu ít nhất 2 ngày sau khi hết rò khí. Vì vậy, thời gian nằm viện kéo dài, kèm theo tỉ lệ tái phát cao (trung bình 30%).
Phẫu thuật thường dùng là khâu kén khí kèm theo làm dính màng phổi. Phương pháp này thường làm hậu phẫu nặng nề và thời gian nằm viện lâu.
Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật nội soi lồng ngực và những dụng cụ chuyên dùng, nội soi lồng ngực là một phương pháp điều trị ít xâm lấn trong các bệnh lý lồng ngực, mang lại tính hiệu quả về thẩm mỹ, giảm đau sau mổ và rút ngắn thời gian hậu phẫu và giảm tỷ lệ tái phát.