Đau cứng hai bả vai
Chị Huyền làm việc trong phòng thí nghiệm. Chị thường xuyên phải ngồi một chỗ và tập trung vào công việc. Đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh đau cổ vai gáy của chị. Chị Huyền cho biết, năm 2012 chị thấy xuất hiện cơn đau mỏi vai gáy sau khi ngủ dậy hoặc sau khi làm việc nặng, đặc biệt là ngồi quá lâu trên bàn làm việc với cùng một tư thế. “Rất là đau, đau đến nỗi mà cảm giác cơn đau lan xuống cả bả vai, làm cho cánh tay, cẳng tay và ngón tay bị tê mỏi rất khó chịu. Thậm chí, chỉ cần sờ vào cũng có cảm giác như tê cứng bì.” Chị Huyền chia sẻ.
Chị Huyền hết uống thuốc lại đi châm cứu nhưng chỉ đỡ trong thời gian ngắn hoặc mỗi lần thay đổi thời tiết cơn đau lại quay trở lại ngay. Những cơn đau nhức ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cũng như công việc của chị. Công việc của chị Huyền đòi hỏi độ tập trung cao nhưng mỗi lần bị đau như vậy chị bị xao nhãng và không thể tập trung tuyệt đối vào công việc được, chị cũng thường xuyên bị mất ngủ do cơn đau vai gáy hành hạ. Ngoài bị đau cổ vai gáy, chị Huyền còn bị bệnh viêm xoang nặng. Nước mũi chảy thường xuyên, khụt khịt liên tục và chị luôn có cảm giác vướng đờm trong cổ họng, rất mệt và khó chịu.
Quan trọng là thở đúng
Chị Huyền đến với lớp tập yoga năm 2017. Ban đầu chị tập lớp yoga tổng hợp, sau đó biết đến tham gia lớp yoga trị liệu, chị thấy hiệu quả rõ rệt. Chị Huyền cười, “Bây giờ đối với tôi yoga trị liệu như là một món ăn tinh thần hàng ngày không thể nào thiếu được. Tập yoga biết cách kiểm soát hơi thở cho tôi cảm giác thoải mái, dễ chịu, không còn cảm thấy đau nhức vùng cổ vai gáy. Đặc biệt, nhờ tập luyện mà việc mua thuốc không còn nhiều nữa. Trước đây gần như ngày nào chị cũng phải chung sống với thuốc. Về bệnh viêm xoang, đi khám định kỳ thì lúc nào cũng có dịch nhưng sau khi tập yoga có thể kiểm soát được và thấy thoải mái hơn nhiều”.
Theo chị Huyền, để tập yoga trị liệu một cách hiệu quả nhất thì phải kiên trì, ngoài những buổi tập ở trên lớp, về nhà cũng nên dành thời gian tập luyện và phải yêu thích bộ môn này thì mới có hứng thú và có thể kiên trì được. Chị Huyền cho biết, điều quan trọng nhất trong yoga trị liệu là việc hít thở, biết cách hít thở đúng là đã đạt 50% hiệu quả rồi, ngoài ra kết hợp với các động tác chuyên biệt cho cổ vai gáy, cột sống… Các tư thế của yoga trị liệu giúp thả lỏng các cơ, không gò ép, căng cứng. Ngoài luyện tập yoga trị liệu, chị Huyền còn tham gia tập aerobic giúp cho xương khớp trơn tru và dẻo dai hơn.
“Các tư thế của yoga trị liệu thường dựa trên giải phẫu cơ thể. Cổ có bao nhiêu chuyển động và biên độ cử động của cổ như thế nào sẽ đưa các động tác chuyển động tương ứng đến đó. Vai cũng như vậy. Trong yoga trị liệu bắt buộc mọi người phải tập trung, lắng nghe cơ thể để biết được đâu là giới hạn của mình và khả năng của mình để có thể phát huy thêm. Bởi vì chỉ cần mọi người mất tập trung một chút thôi, mọi người có thể làm cố quá hoặc làm tư thế không đúng với cơ thể của mình sẽ dẫn đến chấn thương” Chị Nguyễn Thị Minh – HLV Yoga