<div> <p>Làm việc tại nhà đã trở thành xu hướng khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong 4 tháng qua. Thay vì dậy sớm để kịp chuyến xe đến công ty, chúng ta đã quen với việc sát giờ làm mới ra khỏi giường, ăn vội bữa sáng rồi bật máy tính, hoặc vừa làm vừa ăn.</p> <p>Tóm lại, làm việc tại nhà khác xa cơ quan ngay từ những điều cơ bản nhất. Thay vì ngồi trên bàn, một số người làm việc trên giường ngủ hoặc ghế bành, đặt thức ăn kế bên để tiếp năng lượng rồi ngủ tại chỗ.</p> <p>Điều đó cho thấy làm việc tại nhà khiến chúng ta ít vận động, di chuyển hơn. Nhiều người xem đó là sự thoải mái, nhưng nó sẽ mang đến tác động tiêu cực đến sức khỏe nếu cứ tiếp diễn trong thời gian dài.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="hinh anh con nguoi sau 25 nam lam viec tai nha anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/12/znews-photo-zadn-vn_z05405072020.jpg" title="hình ảnh con người sau 25 năm làm việc tại nhà ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Susan bị bệnh về mắt, khớp tay và béo phì do không tập thể dục trong suốt 25 năm làm việc tại nhà. Ảnh: <em>DirectlyApply</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Được tạo ra bởi một nhóm nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia thể chất, Susan là mô hình của một người làm việc tại nhà trong 25 năm tới nếu không có chế độ đảm bảo sức khỏe hợp lý.</p> <p>Về ngoại hình, đôi mắt của Susan mắc hội chứng thị giác máy tính (computer vision syndrome), xung quanh là quầng thâm rất đậm do nhìn vào màn hình máy tính suốt ngày.</p> <p>Do không tập thể dục và ít di chuyển, Susan cũng bị béo phì. Việc thiếu vitamin D từ ánh nắng mặt trời khiến Susan rụng tóc, da dẻ nhợt nhạt. Theo website tìm việc <em>DirectlyApply</em>, gõ bàn phím trong thời gian dài khiến tay của Susan bị tật.</p> <p>Những ảnh hưởng bên trong thậm chí còn tệ hơn. Trải qua thời gian dài không tiếp xúc với người khác có thể dẫn đến sự gia tăng hormone căng thẳng cortisol, làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, theo nhà tâm lý học lâm sàng Kate Brierton.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="hinh anh con nguoi sau 25 nam lam viec tai nha anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/12/znews-photo-zadn-vn_z05505072020.png" title="hình ảnh con người sau 25 năm làm việc tại nhà ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Làm việc tại nhà liên tục, không có chế độ giữ gìn sức khỏe khiến con người mắc nhiều bệnh nghiêm trọng. Ảnh: <em>Pexels</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Không thể rời khỏi công việc, nghĩa là thời gian làm việc lâu hơn khiến Susan mắc stress mạn tính, nguy cơ dẫn đến các bệnh tim mạch và mạn tính khác.</p> <p>Tất nhiên, tất cả chúng ta đều muốn dịch bệnh lắng xuống để cuộc sống trở lại bình thường. Một số công ty đã áp dụng chính sách làm việc tại nhà vĩnh viễn, và nếu không có chế độ đảm bảo sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, đó là những gì chúng ta sẽ gặp sau 25 năm nữa.</p> <p>Để tránh những tác hại trên, các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên giúp cải thiện sức khỏe khi làm việc tại nhà.</p> <p>Tiến sĩ Rachel M Allan, nhà tâm lý học tham vấn (chartered counselling psychologist) cho biết bám sát thói quen phù hợp với cuộc sống, năng suất làm việc và yêu cầu công việc là cần thiết để quản lý thời gian, duy trì sức khỏe cảm xúc khi làm việc từ xa. Bên cạnh đó, hãy dành thời gian duy trì các mối quan hệ tích cực trong công việc.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="hinh anh con nguoi sau 25 nam lam viec tai nha anh 3" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/12/znews-photo-zadn-vn_z05605072020.jpg" title="hình ảnh con người sau 25 năm làm việc tại nhà ảnh 3" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Thường xuyên tập thể dục, cải thiện mối quan hệ trong công việc sẽ giúp chúng ta có sức khỏe tốt hơn khi làm việc tại nhà. Ảnh: <em>DirectlyApply</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Theo tiến sĩ Allan, một số mối quan hệ bắt nguồn từ những cuộc trò chuyện xã giao tại cơ quan, làm việc tại nhà đôi lúc sẽ yêu cầu chúng ta kết nối với họ. Việc dành thời gian phát triển các mối quan hệ ấy có thể cải thiện tinh thần, năng suất và cảm xúc trong công việc.</p> <p>Quan trọng không kém là tập thể dục. Joe Mitton, huấn luyện viên cá nhân chia sẻ rằng tập yoga là giải pháp tốt nhất trong thời gian này bởi có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh xương khớp do ngồi máy tính lâu.</p> <p>Ngoài ra, hãy đảm bảo không gian làm việc tách khỏi những khu vực khác để tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nếu được, hãy dành thời gian rảnh rỗi để trò chuyện cùng bạn bè, đi dạo vòng quanh nhà hoặc tập các môn thể thao ưa thích.</p> <p>Cuối cùng, hãy thường xuyên tương tác, trò chuyện với nhóm đồng nghiệp để có động lực làm việc hiệu quả hơn.</p> </div> <p> </p>