Khi mất, bà được an táng theo nghi lễ cao nhất ở Thanh Đông lăng - khu quần thể lăng mộ các Hoàng đế, Hoàng hậu nhà Thanh, do Thuận Trị tự tay chọn nơi "Vạn niên cát địa". Nhưng Chiêu Tây lăng của bà lại nằm bên ngoài, khu tường phong thủy. Đây là bí ẩn lớn đầu tiên của nhà Thanh.
Theo dã sử ghi lại, khi nhà Thanh mới vào Trung nguyên, nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn nắm quyền điều hành, ra vào cung cấm như ở nhà riêng. Lúc này Hiếu Trang Hoàng Thái hậu đang còn trẻ, ở góa cô đơn. Cho rằng Đa Nhĩ Cổn công lao cao hơn cả thiên hạ, mà lại đem ngôi vị đưa cho con mình, tận tâm phò chính. Bản thân mình chỉ có thể lấy thân ra báo đáp, mới có thể xứng với công lao này và cũng dễ lung lạc Đa Nhĩ Cổn.
Không lâu sau, vợ của Đa Nhĩ Cổn mất. Các đại thần trong triều như Phạm Văn Trình... khuyên Hoàng Thái hậu "hợp cung" với Nhiếp Chính Vương, chính thức kết hôn, tự nhiên hai bên đều vui vẻ. Định được ngày lành, lấy danh nghĩa của Hoàng đế nhỏ Thuận Trị ban bố với Thiên hạ: Hoàng Thái hậu trẻ trung tự nguyện kết hôn với Đa Nhĩ Cổn vừa mất vợ. Như vậy, nhiếp chính vương đã trở thành cha dượng của Thuận Trị, danh là Hoàng thúc nhiếp chính vương.
Thậm chí trong một số tiểu thuyết còn viết, ngay từ thời Hoàng Thái Cực còn sống, Trang phi và Đa Nhĩ Cổn đã đi lại với nhau. Hôn lễ này, đã thỏa ước nguyện của họ. Nhưng sau khi Đa Nhĩ Cổn mất, bị người cáo buộc mưu phản, rơi vào vòng xoáy chính trị vô tình.
Địa vị của Hiếu Trang từ Hoàng Thái hậu lên Thái hoàng Thái hậu, bản thân thấy việc tái giá là việc hoang đường, có lỗi với người chồng trước, không còn mặt mũi nào gặp nữa. Cho nên, bà không muốn khi mất sẽ được hợp táng chung với Hoàng Thái Cực. Do đó, dặn cháu Khang Hi an táng mình ở phía Đông lăng, bên ngoài bức tường phong thủy, có ý tự chịu phạt, làm người giữ cửa cho Hoàng gia.
Trung Quốc vào thời phong kiến, các quả phụ trong dân gian, nếu giữ lễ tiết, sẽ được biểu dương. Còn không, nếu tái giá, sẽ khó được sự tôn trọng của người thân và xóm giềng. Hoàng Thái hậu cao quý như vậy, lại đi bước nữa, đương nhiên là việc chấn động trong ngoài, sẽ có nhiều thêu dệt.
Nhiều học giả phê bình cuốn "Thanh sử cảo" không viết chính xác sự việc này. Thái hậu thực sự có tái giá không? Đây là nghi án lớn đầu tiên trong lịch sử thời kỳ đầu nhà Thanh.
(lược dịch từ cuốn Bí mật Thanh cung của Nhà Xuất bản Thanh niên Trung Quốc in lần thứ 2 năm 2007)