Chưa có phương pháp nào thay thế
Trong buổi giao lưu trực tuyến “Sống chung, sống khỏe với ung thư” do trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức ngày 20/07.
PGS.TS Dương Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Châm cứu dưỡng sinh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết, các phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư hiện nay như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị đều có mặt trái của nó. Nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phương pháp thay thế được.
Các thuốc y dược cổ truyền hiện nay cũng có những loại giúp ức chế tế bào ung thư, nâng cao sức khỏe, cải thiện tình trạng bệnh nhân trong quá trình điều trị, giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, các loại thuốc Đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị chứ không thể thay thế các phương pháp y học hiện đại.
Về ý kiến cho rằng, phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời và lạc hậu, không hiệu quả dẫn đến số bệnh nhân tử vong cao, PGS.TS Vũ Hồng Thăng, Phó trưởng Bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Khoa điều trị nội, Bệnh viện K khẳng định, thông tin này hoàn toàn không chính xác, điều này làm xao nhãng, ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh cũng như gia đình họ.
“Chúng ta đều hy vọng rằng có phương pháp điều trị nào đó hữu hiệu hơn, không độc hại. Nhưng rất tiếc, đến thời điểm hiện tại, hóa trị vẫn là một biện pháp cơ bản, biện pháp chính để điều trị ung thư", PGS.TS Vũ Hồng Thăng nhấn mạnh.
Lắng nghe cơ thể phát hiện sớm bệnh
Hiện nay, với hàng loạt phương pháp điều trị ung thư hiện đại được áp dụng, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều trị bệnh này đều khẳng định ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, kịp thời, quá trình điều trị sẽ càng hiệu quả hơn, và tốn ít chi phí hơn.
Để có thể phát hiện sớm được căn bệnh ung thư, TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc khám sức khỏe hàng tháng để có thể tầm soát ung thư và phát hiện các bệnh nguy hiểm khác. Thứ hai, cần tăng cường tầm soát ung thư đối với các đối tượng mắc các bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư (điển hình là người mắc virus viêm gan B).
Hiện nay, Việt Nam có nhiều người mang virus viêm gan B, có tới 10 – 15% tiến triển thành ung thư gan và xơ gan. Cần tăng cường tầm soát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh như polyp đại tràng, dạ dày… Ngoài ra, đối với người trong gia đình có người mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 10 - 20 lần so với cộng đồng. Người dân cần nâng cao ý thức tự khám, tự phát hiện bệnh như tự khám vú sau khi sạch kinh (tự khám trước gương, nằm khám…). Khi phát hiện các biểu hiện bất thường, cần đến các cơ sở y tế để kịp thời khám và điều trị.
Hơn nữa, cần đặc biệt quan tâm đến các triệu chứng báo hiệu ung thư theo 10 khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu thấy cơ thể đột nhiên xuất hiện những triệu chứng bất thường thì cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí để chữa trị. Chính vì vậy, để phát hiện sớm bệnh ung thư và điều trị bệnh có hiệu quả, người dân cần quan tâm các khuyến cáo trên và “hãy lắng nghe cơ thể mình”.