Trong công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã lập bản đồ đầu tiên của vùng hippocampus (hồi hải mã hay hồi cá ngựa - trung tâm của trí nhớ và quyết định việc học tập), bị tổn hại do chấn thương. Ngoài ra, các nhà khoa học đã xác định các gen có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh Alzheimer và rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Hơn 6.000 tế bào thuộc 15 loại tế bào vùng hippocampus đã được kiểm tra. Tất cả các tế bào đều có cùng một ADN, nhưng có sự khác biệt liên quan đến việc các gien nào được kích hoạt. Đặc biệt, các nhà khoa học đã xác định được 2 loại tế bào, trước đây chưa được khoa học biết đến nhưng lại có bộ gien hoạt tính độc đáo.
Nói chung, một chấn thương đầu nặng như chấn thương sọ não ảnh hưởng tai hại đến hàng trăm gien. Và những thay đổi này thực sự dẫn đến các bệnh thoái hóa thần kinh, rối loạn thần kinh và thậm chí là bệnh động kinh.
Ví dụ, ở những con chuột thí nghiệm bị gây chấn thương đầu, có mức độ biểu hiện cao của 14 trong số 15 loại tế bào của gien Ttr. Gen Ttr này điều chỉnh quá trình trao đổi chất và các hormone tuyến giáp. Các nhà khoa học kết luận rằng, gien Ttr rất quan trọng đối với sức khỏe của não và có thể hoạt động để mang lại nhiều hormone tuyến giáp hơn cho não, giúp duy trì sự trao đổi chất.
Hơn nữa, các nhà khoa học còn nhận thấy việc tiêm hormone tuyến giáp có tên T4 giúp cải thiện trạng thái sức khỏe của những con chuột tham gia thí nghiệm và ngăn chặn những thay đổi trong 93 gien ảnh hưởng đến trí nhớ và học tập. Đây là một phát hiện quan trọng. Sau chấn thương đầu, sự trao đổi chất giảm đáng kể. Các nhà sinh học cho rằng T4 có thể "khởi động lại" sự trao đổi chất.