Theo các chuyên gia, hiểu về sản phẩm ứng dụng nano còn mù mờ là nguyên nhân dẫn đến những lầm tưởng cho rằng cứ có chữ “nano” là tốt, là nhiều tác dụng. Thậm chí có những sản phẩm quảng cáo kiểu ăn theo như vòi nước nano, bồn cầu nano… chỉ là cách nói chung chung, mơ hồ, không rõ là công nghệ gì.
Nano phải gắn với vật liệu
PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHHKHTN, ĐHQG Hà Nội chia sẻ, hiện nay có tình trạng “ăn theo” các thuật ngữ khoa học khi người ta quảng bá sản phẩm. Người tiêu dùng thì có xu hướng, cứ sản phẩm nào nghe có vẻ khoa học, dù là thuật ngữ mà họ không hiểu gì, thì là sản phẩm tốt.
Không khó để nhìn thấy những quảng cáo với nội dung rất “đao to búa lớn” bằng những thuật ngữ khoa học nghe như xa lạ, chuyên môn sâu, nhưng thực tế lại là những thứ rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Công nghệ nano là một ví dụ. “Thật buồn cười khi người ta quảng cáo kiểu đại loại như vòi nước nano, bồn cầu nano, bồn nước nano…
Nó có thể kích thích tò mò của người tiêu dùng nhưng nó đơn giản chỉ là cái tên, giống như anh A, chị B, chứ nó không nói lên bản chất công nghệ của sản phẩm”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, công nghệ nano công nghệ chế tạo, nghiên cứu tính chất và ứng dụng vật liệu có kích thước siêu nhỏ, từ 1-100 phần tỷ mét. Ở kích thước này, phẩm chất tính chất của vật liệu thay đổi thậm chí xuất hiện đặc tính hoàn toàn mới.
Công nghệ nano được áp dụng rộng rãi, trong lĩnh vực điện tử với các chíp nano trong máy tính, điện thoại kích thước nhỏ hiệu năng cao, màn hình TV chấm lượng tử cho hình ảnh siêu thực và tiết kiêm năng lượng, các vật liệu lọc, làm sạch môi trường, năng lượng, vật liệu y tế, chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm cao cấp…
Nano là một dạng tồn tại của vật liệu, do đó không có nano đơn thuần mà nano phải gắn với vật liệu. Một số vật liệu nano hiện đang được ứng dụng ở Việt Nam có thể kể đến như nano bạc, nano dioxittitan, nano curcumin, nano canxi… Những sản phẩm quảng cáo nano thông thường cần phải được đặt dấu hỏi đó là công nghệ nano gì, không nên sử dụng thuật ngữ một cách lung tung.
Bình sữa phủ nano tốt hơn bình sữa làm bằng bạc
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, bạc nano tinh khiết kháng khuẩn mạnh hơn hàng nghìn lần so với bạc ở dạng khối lớn hay ion bạc. Nó được đánh giá là kháng sinh tự nhiên mạnh nhất an toàn nhất, với phổ sát khuẩn rộng (khoảng 950 loại), không bị nhờn, kháng thuốc như một số loại kháng sinh khác.
Chỉ cần nồng độ 0,001% bạc nano đã có tác dụng tương đương dung dịch nhỏ mắt argyrol, nitrat bạc chứa 5-20% hợp chất bạc lại an toàn không gây biến màu niêm mạc. Hay chỉ cần phủ một lớp nano bạc trong bình sữa đã có tác dụng sát khuẩn tốt hơn cả một chiếc bình làm toàn bằng bạc. Nano bạc tinh khiết được sử dụng để làm thuốc nhỏ mắt, xoang, mũi, họng, răng miệng, làm băng gạc, chỉ khâu phẫu thuật, nước rửa vết thương, rửa tay khô, mỹ phẩm khử mùi, vệ sinh…
Nano dioxittitan (TiO2) lâu nay vẫn là một phụ gia quen thuộc trong mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm. Nano dioxittitan dễ dàng tiêu hủy mọi vi khuẩn vi rút nấm mốc gây bệnh, không phân biệt chủng loại, không bị nhờn kháng, và nhiều hợp chất độc hại thành các chất hơi đơn giản như hơi nước, cacbonic…
Trên thị trường đã có khẩu trang nano dioxittitan diệt khuẩn, sơn khử trùng phòng mổ, sơn chống mốc, chống mờ gương kính, kem chống nắng vật lý, mũ bảo hiểm tự sạch nhiều tháng không phải giặt… Nano dioxittitan bột cho nghiên cứu chế tạo pin mặt trời quang điện hóa thay cho sản phẩm nhập ngoại.
Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, công nghệ nano có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, song không phải cứ sản phẩm gắn mác nano là tốt, là an toàn, là sản phẩm của khoa học nghiên cứu ra. Việc sản xuất nano như thế nào lại là bài toán cần làm rõ.
“Đa số những người làm ra sản phẩm ứng dụng công nghệ nano nhưng chất lượng lại không tốt là bởi họ không đủ trình độ, kiến thức, và chạy theo lợi nhuận”, PGS.TS Phạm Văn Nho