Nắng nóng sẽ xuất hiện sớm
Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nhiệt độ trung bình từ tháng 3-8/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C; riêng tháng 3/2019 tại khu vực Bắc Bộ có khả năng cao hơn từ 1,0-2,0 độ C so với giá trị TBNN cùng thời kỳ. Trong nửa cuối tháng 02 và tháng 3/2019 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ít khả năng xảy ra hiện tượng rét đậm, rét hại. Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn mọi năm tại khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực Trung Bộ.
Tổng lượng mưa từ tháng 4 đến tháng 8/2019 phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN, riêng tháng 3 có khả năng ở mức cao hơn từ 15-30% so với TBNN cùng thời kỳ. Mùa khô năm 2019 ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ khả năng kéo dài tới tháng 8-9/2019, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông tại các tỉnh thuộc khu vực Trung, Nam Trung Bộ.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, theo các kết quả dự báo mới nhất ENSO được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trạng thái El Nino yếu trong các tháng tiếp theo của nửa đầu năm 2019, cuối năm ENSO trở về trạng thái trung tính. Như vậy, giai đoạn mùa mưa ở Bắc Bộ không còn tác động của El Nino vì thế mưa nhiều khả năng sẽ ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nửa đầu năm chịu tác động của El Nino yếu nên mưa sẽ bị thiếu hụt, sau đó trở lại với chu kỳ bình thường vào nửa cuối năm.
Các hiện tượng dông, lốc, gió giật mạnh và mưa đá thường hay xuất hiện trong giai đoạn chuyển mùa, nhiều nhất là các tháng 3, tháng 4 và những ngày nửa đầu tháng 5 khi ở miền Bắc khi có không khí lạnh hay ở miền Nam trong giai đoạn bắt đầu của gió mùa Tây.
Thiên tai sẽ khó lường, phức tạp hơn
Theo bản tin dự báo mùa cập nhật thời điểm ngày 15 tháng 2 năm 2019 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong năm 2019, mưa đá xuất hiện ngay giữa tháng 02 này báo hiệu cho thấy dấu hiệu về thời kỳ mưa rào và dông với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, gió giật mạnh, sét, mưa đá,… đã đến rất gần. Thêm nữa, với nền nhiệt độ đang có xu hướng cao hơn TBNN trong các tháng gần đây, sẽ là điều kiện nhiệt lực góp phần cho chúng ta dự báo về một mùa thiên tai sẽ diễn ra khó lường, phức tạp trong thời gian tới.
Để chủ động ứng phó với thiên tai nói chung và mùa mưa, dông, lốc, sét, mưa đá sắp tới, trên cơ sở thông tin dự báo hiện tại, các cấp chính quyền địa phương cần chủ động xây dựng các phương án lao động, sản xuất, sinh hoạt phù hợp cho các kịch bản thiên tai khác nhau. Trong suốt mùa mưa bão, chính quyền và người dân cần theo chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện truyền thông để chủ động triển khai các kế hoạch ứng phó phù hợp, kịp thời với loại hình thiên tai tương ứng. Các cơ quan hữu quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức khí tượng thủy văn và cách thức phòng chống thiên tai đến từng người dân, cộng đồng.
Ngoài ra, bà con cũng cần nắm được dấu hiệu nhận biết xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá và tuân thủ các hướng dẫn phòng, tránh thiên tai của các cấp, bộ, ngành và địa phương để có những phòng vệ kịp thời tránh thiệt hại về người và tài sản.
Các hiện tượng dông, lốc, gió giật mạnh và mưa đá thường hay xuất hiện trong giai đoạn chuyển mùa, nhiều nhất là các tháng 3, tháng 4 và những ngày nửa đầu tháng 5 trên phạm vi toàn quốc.
Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm cho biết, có thể cảnh báo sớm từ 1-3 ngày đối với dông, lốc, mưa đá và mưa lớn nếu hiện tượng đó xảy ra trên diện rộng, tuy nhiên để cảnh báo cụ thể về thời gian, khu vực xảy ra thiên tai thì chỉ có thể dựa vào thông tin quan trắc tức thời để có thể đưa ra dự báo, cảnh báo trước từ 1-2 giờ.