Người nghèo phải chịu gánh nặng y tế cao hơn
Dinh dưỡng cũng là thuốc nên người bệnh được Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM chủ động chăm lo các suất ăn bệnh lý để bệnh nhân yên tâm theo đuổi quá trình điều trị một cách tốt nhất. |
Theo một đánh giá của Ngân hàng Thế giới, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang phải chịu gánh nặng chi phí y tế cao hơn nhiều so với các nhóm khác. Chi phí y tế càng là gánh nặng đối với ngân sách gia đình, mặc dù số tiền chi cho y tế của hộ nghèo, đặc biệt là nhóm cận nghèo, vẫn thấp hơn so với các nhóm khác.
Theo BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, gánh nặng của việc mất thời gian do ốm đau của bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn chiếm khoảng 1/4 tổng chi phí khám chữa bệnh, kể cả những bệnh nhân khó khăn có BHYT hoặc được miễn giảm viện phí, gánh nặng chi phí đối với họ vẫn là rất lớn, tương đương với khoảng 10 tháng chi tiêu ngoài lương thực, thực phẩm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM còn triển khai hoạt động hỗ trợ xe miễn phí cho mỗi bệnh nhân hấp hối và tử vong về nhà -“chuyến xe tiễn 1 đoạn đường”. |
Chi phí cơ hội của nhóm nghèo khi đi khám chữa bệnh chiếm khoảng 2/3 chi tiêu ngoài lương thực, thực phẩm trong một tháng. Chi phí này cao hơn rất nhiều so với nhóm giàu nhất (chỉ chiếm khoảng 1/4 chi tiêu ngoài lương thực, thực phẩm).
“Hệ sinh thái” chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM hiện có khoảng 20% bệnh nhân nghèo đến khám và chữa trị. Bệnh nhân Nguyễn Văn M. (sinh năm 2004, ở Nghĩa Thành - Gia Nghĩa, Đăk Nông) chỉ cần hơn 900.000đ; bệnh nhân Nguyễn Thị B. (sinh năm 1939, Cần Đước - Long An) trong khi điều trị bệnh cơ xương khớp cần hỗ trợ vài trăm ngàn đồng. Nhưng cũng có bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn nằm điều trị trong khoa Chấn thương Chỉnh hình được hỗ trợ hơn 30 triệu đồng.
BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM chia sẻ, mỗi sự chia sẻ dẫu là nhỏ bé ấy cũng sẽ là sự thấu cảm ấm áp và sâu sắc cùng với gia đình người bệnh. |
BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM chia sẻ, với chủ trương “không để ai lại phía sau, không từ chối điều trị bất cứ bệnh nhân nào, nhất là bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn,” bên cạnh phát triển và tăng cường công tác khám chữa bệnh, mỗi nhân viên y tế của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM đều là một thành viên của Hội Chữ thập đỏ. Mỗi người đều hướng tới một phương châm “sống có tình, đối xử tử tế và thật thân thiết với bệnh nhân, thân nhân, khách và giữa nhân viên với nhau”.
Hệ sinh thái chăm lo cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM bắt đầu từ khi bệnh nhân nhâp viện cấp cứu. Cụ thể, khi nhập viện cấp cứu, người bệnh không mang tiền, người nhà chưa vào kịp, người vô gia cư được địa phương đưa vào, sẽ được tạm ứng 5 triệu đồng với “Quỹ Ứng trợ khẩn cấp 100 triệu đồng cho tình huống cấp cứu” thuộc Quỹ Tâm nguyện Việt.
Gian hàng chia sẻ yêu thương vận động những tấm lòng vàng cùng chia sẻ làm việc thiện bằng hình thức đóng góp những vật dụng trong gia đình với chất lượng còn khoảng 80% đến 90% trở lên. |
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM còn kết nối với chương trình “Dĩa cơm trên tường” và bếp ăn tình thương để trao xuất ăn cho bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn. Bởi một điều quan trọng, dinh dưỡng cũng là thuốc nên người bệnh được bệnh viện chủ động chăm lo các suất ăn bệnh lý để bệnh nhân yên tâm theo đuổi quá trình điều trị một cách tốt nhất. Các suất ăn này được đảm bảo chất lượng bởi một công ty cung cấp suất ăn với 100% vốn của Đức.
"Hiện mỗi tháng, bệnh viện cung cấp 480 suất ăn theo tình trạng bệnh lý cho các bệnh nhân các khoa (Chạy thận, Nội tiết, Tim mạch, Ngoại, Nội tổng quát…); được bệnh nhân nghèo ủng hộ và tin tưởng, yên tâm điều trị, không bỏ trị nửa chừng. CLB Tình người Sài Gòn hỗ trợ bệnh nhân nghèo và hoàn cảnh khó khăn một khoản sinh hoạt phí thiết yếu hàng ngày”, ThS.BS Lương Công Minh, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Bệnh viện, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ tinh thần chia sẻ và động viên người thân có bệnh nhân hấp hối, tử vong, bệnh viện còn triển khai hoạt động hỗ trợ xe miễn phí cho mỗi bệnh nhân hấp hối và tử vong về nhà (“chuyến xe tiễn một đoạn đường”).
Hệ sinh thái chăm lo cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM bắt đầu từ khi bệnh nhân nhâp viện cấp cứu cho đến suốt quá trình nằm viện điều trị. |
Trong bất kỳ trường hợp nào cần thiết - quanh phạm vi TPHCM, bệnh nhân cần giúp đỡ hỗ trợ xe đưa bệnh nhân tử vong xin về đều có thể liên hệ Phòng Hành chính Quản trị và Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM đã hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng để “đưa tiễn bệnh nhân một chặng đường”. Tập thể bệnh viện đã góp phần an ủi, động viên và chia sẻ niềm đau buồn với gần 3.600 gia đình bệnh nhân ở các địa phương như An Thới Đông, Bình Khánh - Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh; Bến Lức tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang; quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình…
“Nghĩa tử là nghĩa tận. Việc hỗ trợ xe miễn phí cho mỗi bệnh nhân hấp hối và tử vong về nhà là trách nhiệm chia sẻ và động viên người thân có bệnh nhân hấp hối, tử vong. Trong những giây phút bối rối của mất mát và đau buồn của thân nhân, Bệnh viện tin rằng mỗi sự chia sẻ dẫu là nhỏ bé ấy cũng sẽ là sự thấu cảm ấm áp và sâu sắc cùng với gia đình người bệnh”, BSCKII Võ Đức Chiến chia sẻ thêm.
Bệnh viện đã kêu gọi được các quỹ từ thiện và các nhà mạnh thường quân gồm: Quỹ Từ Tâm, Quỹ Tâm Nguyện Việt, Quỹ Bông Sen, Nhóm Chia sẻ - Sharing do Bà Mai Thị Hạnh, Phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, vận động, ông Yung Cam Meng, cùng các đối tác, các tập thể và cá nhân có tấm lòng… cùng tham gia vào các hoạt động của Hội chữ Thập đỏ để giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Tổng số tiền từ các quỹ từ thiện dành cho Hệ sinh thái chăm lo cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn từ năm 2017 đến nay, trị giá khoảng 3 tỷ đồng.
Thông qua nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, người bệnh được chăm sóc an toàn, thoải mái khi tới khám và điều trị tại bệnh viện cho đến lúc ra viện là mục tiêu lớn nhất của việc quản lý chất lượng bệnh viện.