<div> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Hé lộ nguyên nhân ban đầu của vụ nổ kinh hoàng tại Li Băng - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/08/06/92/icdn-dantri-com-vn_li-bang-1596644873043.jpg" title="Hé lộ nguyên nhân ban đầu của vụ nổ kinh hoàng tại Li Băng - 1" /> <figcaption> <p>Hiện trường vụ nổ tại cảng Beirut. (Ảnh: AFP)</p> </figcaption> </figure> <p><em>Reuters</em> dẫn lời một quan chức quen thuộc với kết quả điều tra ban đầu về vụ nổ tại cảng Beirut ở Li Băng cho biết chính sự “bất cẩn” kéo dài suốt nhiều năm đã gây ra thảm kịch khiến ít nhất 135 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương vào tối 4/8.</p> <p>Quan chức trên cho biết vấn đề liên quan tới việc lưu trữ vật liệu nổ một cách an toàn đã được đưa ra trước các ủy ban và cơ quan tư pháp, nhưng rốt cuộc vẫn không có bất kỳ động thái nào “được thực hiện” để chỉ đạo di dời hoặc xóa bỏ các vật liệu này.</p> <p>Theo quan chức trên, đám cháy bắt nguồn tại nhà kho số 9 ở cảng Beirut vào tối 4/8, sau đó lan ra nhà kho số 12. Đây là nơi lưu trữ ammonium nitrate - chất chủ yếu được sử dụng làm phân bón nông nghiệp nhưng cũng có thể được dùng để chế tạo bom.</p> <p>Một nguồn tin khác thân cận với nhân viên tại cảng cho biết, một nhóm đã tiến hành kiểm tra kho vật liệu trên cách đây 6 tháng và cảnh báo rằng chúng có thể “nổ tung cả Beirut” nếu không được chuyển đi.</p> <p>Lãnh đạo cảng Beirut và hải quan Li Băng hôm nay cho biết một vài đơn thư đã được gửi tới cơ quan tư pháp để yêu cầu chuyển các vật liệu nguy hiểm khỏi cảng, nhưng vẫn không có động thái nào được thực hiện.</p> <p>Quản lý cảng Beirut Hassan Koraytem nói với <em>OTV</em> rằng lô ammonium nitrate được lưu trữ tại nhà kho ở cảng theo lệnh của tòa án. Họ đã biết lô hóa chất này có thể gây nguy hiểm nhưng không nghĩ nguy hiểm “tới mức độ này”.</p> <p>“Chúng tôi đã đề nghị xuất ngược trở lại lô hóa chất đó nhưng không được hồi đáp. Chúng tôi để các chuyên gia và những người có liên quan xác định lý do cho việc này”, Badri Daher, lãnh đạo Tổng cục Hải quan Li Băng, nói.</p> <p>Theo hai tài liệu do <em>Reuters</em> tiếp cận, hải quan Li Băng vào năm 2016 và 2017 đã đề nghị cơ quan tư pháp nước này yêu cầu “cơ quan hàng hải liên quan” xuất ngược trở lại lô ammonium nitrate hoặc thông qua việc bán lô hóa chất này.</p> <p>Báo cáo năm 2015 cho thấy tàu chở hàng Rhosus mang cờ Moldova đã neo đậu tại cảng Beirut vào tháng 9/2013 khi gặp các vấn đề về kỹ thuật trong hành trình từ Georgia tới Mozambique với 2.750 tấn ammonium nitrate.</p> <p>Sau quá trình kiểm tra, tàu Rhosus bị cấm ra khơi và ngay sau đó bị chủ sở hữu bỏ rơi. Lô hóa chất được đưa ra khỏi tàu và chuyển vào nhà kho số 12 tại cảng Beirut.</p> <p>“Nhận thức được rủi ro liên quan tới việc giữ lô ammonium nitrate trên tàu, giới chức cảng đã chuyển lô hàng này vào nhà kho của cảng”, báo cáo cho biết.</p> <p>Tổng thống Li Băng Michel Aoun cũng cho biết 2.750 tấn ammonium nitrate bị tịch thu đã được lưu trữ suốt 6 năm tại cảng Beirut mà không có các biện pháp an toàn.</p> <p>Hiện nguyên nhân dẫn tới vụ nổ vẫn chưa được Li Băng công bố chính thức. Nội các Li Băng ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần tại Beirut, trao quyền kiểm soát an ninh tại thủ đô cho quân đội, đồng thời yêu cầu quân đội quản thúc tại gia tất cả quan chức phụ trách việc lưu trữ và bảo đảm an ninh đối với vật liệu tại cảng từ năm 2014.</p> <figure class="video" contenteditable="false"> <video data-src="2020/08/05/beirut-explosion-macron-to-visit-lebanon-as-countries-offer-help-to-devastated-city-5ru3X5qFcR4-1596645145781.mp4" data-video-id="124412" data-video-key="ad85c153e2c578ac5a03aa73f42da639" height="720" poster="https://icdn.dantri.com.vn/2020/08/05/hqdefault-1596645148699.jpg" width="1280"> </video> <figcaption>Cảnh tượng đổ nát sau vụ nổ tại cảng Li Băng</figcaption> </figure> <p> </p> </div> <p> </p>