Ngôi làng có niên tại từ năm 5.000 BC.
Các nhà khảo cổ học ở Ai Cập vừa khai quật một trong những ngôi làng lâu đời nhất ở đồng bằng sông Nin, khu vực lâu đời này là nơi tồn tại trước cả các pharaoh hàng ngàn năm, tờ The Sun đưa tin.
Ngôi làng được tìm thấy trong cuộc tìm kiếm chung của Ai Cập và Pháp. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số kho chứa số lượng lớn động vật và thực vật còn sót lại cũng như dụng cụ bằng gốm và đá, Bộ cổ vật Ai Cập cho biết.
Phát hiện này cho thấy con người đã sống trong vùng đất màu mỡ Tell al-Samara, thuộc tỉnh El-Dakahlia phía bắc Ai Cập, từ thiên niên kỷ thứ năm trước Công nguyên (BC).
Điều này có nghĩa là ngôi làng cổ này có trước cả kim tự tháp lâu đời nhất của Ai Cập ở Djoser (được xây dựng vào năm 2630 BC).
Nadia Khedr, một quan chức trong Bộ cổ vật, cho biết: “Phân tích dữ liệu sinh học ở đây sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn về những cộng đồng đầu tiên định cư ở đồng bằng sông Nin và nguồn gốc nông nghiệp và canh tác ở Ai Cập”.
Đầu năm nay, các nhà khoa học phát hiện một khoang trống khổng lồ bên trong Đại Kim tự tháp Giza, khiến nhiều người suy đoán loài người có thể chưa biết hết về bí mật của người Ai Cập cổ đại.
Vào tháng 7, các nhà khảo cổ học ở Ai Cập đã mở một chiếc quan tài kỳ lạ 2.000 năm tuổi giấu bên trong một ngôi mộ, bất chấp lo sợ về một lời nguyền cổ xưa. Các nhà khoa học mở chiếc quan tài bằng đá và phát hiện ba xác ướp bị phân hủy ngập trong nước thải.
Trà My (theo Dân Việt, Kiến Thức)