Hình minh họa
Đợt vừa rồi vào thăm cháu đang điều trị trong Bệnh viện Nhi Hà Nội, tôi thấy nhiều cảnh thật đáng thương. Có những cháu bé mới vài ngày tuổi đã bị viêm phổi, suy hô hấp phải vào viện cấp cứu. Có bé 3 tuổi mà nhỏ như vài tháng vì bị bệnh về xương, những bé bị ung thư đầu trọc lốc, da tái xạm, những bé bị bệnh tim mặt nhợt nhạt…
Sự sống sao mà mong manh quá!
Nhưng cảm động nhất là cảnh những ông bố, bà mẹ, những người thân… mắt thâm quầng thức trông con, trông cháu. Có ông bố trông vẻ ngoài thật dữ tướng, bặm trợn lại rón rén đi nhẹ, nói khẽ, nín thở khi bế đứa con nhỏ trên tay cho nó ngủ. Nâng niu và cẩn thận như giữ một báu vật.
Những bà mẹ nước mắt ngắn nước mắt dài đứng đợi ngoài phòng cấp cứu. Chỉ một cử động mở mắt của con, một giấc ngủ yên, một tiếng khóc, một tiếng gọi đòi đồ chơi… những thứ ở ngoài kia sao bình thường đến thế thì ở trong này lại quý đến vậy. Bởi con họ đang ở bên bờ vực của sự sống và cái chết. Họ hiểu hơn ai hết giá trị của sự sống.
Bước ra khỏi cổng bệnh viện, tôi lại gặp ngay cảnh tắc đường. Người ta vẫn hối hả, vội vã, chen chúc nhau.
Tôi chỉ mong đi thật nhanh về nhà, ôm chầm lấy các con, dù hôm nay nó có bị điểm kém, bị cô phạt, bị lỗi lẫm gì đi nữa.
Chợt thấy sao những đòi hỏi, những tham vọng của mình vô nghĩa đến vậy. Những danh hiệu học sinh giỏi, thi đỗ trường chuyên, lớp chọn, đạt giải nọ giải kia mà các ông bố bà mẹ vẫn đặt ra cho con cái mình, những kỳ vọng trở thành gánh nặng, thành áp lực cho con trẻ thật vô lý đến thế khi đặt cạnh những mong ước của những người mẹ, người cha đang có con nằm điều trị ở đây.
Họ chỉ mong con có một giấc ngủ ngon, thở đều, không có tiếng rít lên như thế này, chỉ ước con thèm ăn bất cứ thứ gì để mẹ đi mua, chỉ mong còn một chút hy vọng nào đó để bám vào…
Vậy mà nhiều ông bố bà mẹ có con cái khoẻ mạnh lại không thấy đó là một niềm hạnh phúc mà cứ làm nặng nề cuộc sống của con bằng những kỳ vọng của chính mình.
Hãy vào bệnh viện để biết quý sự sống. Đừng để đến khi con phải vào nằm viện mới nhận ra sự sống thật quý giá.
Minh Anh