Giao thông chỉ góp 25%
Bà Nguyễn Anh Thư, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, ở Việt Nam, qua đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (báo cáo hiện trạng môi trường qua các năm), bụi và bụi mịn PM2.5 đang là vấn đề nổi cộm, đặc biệt ở các đô thị lớn. Phần lớn nồng độ trung bình năm của các chất ô nhiễm dạng bụi đều cao hơn so với Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 05/2015/BTMNT).
Theo bà Thư, trong những năm gần đây đã có nhiều bên tham gia vào nỗ lực giám sát chất lượng không khí. Dữ liệu về chất lượng không khí Green ID thu thu thập được từ những phân tích của các cơ quan nhà nước và những máy đo cá nhân thì nồng độ PM2.5 trung bình năm của Hà Nội năm 2018 ở mức cao (40,1 µg/m3), vượt khoảng 1.5 lần giới hạn cho phép trong QCVN (25µg/m3.năm). Dữ liệu tại 10 trạm quan trắc của UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra rằng khu vực nội thành đang bị ô nhiễm bụi và thông số bụi PM2.5 vẫn là thông số có mức độ ô nhiễm cao nhất. Một số vị trí có chất lượng không khí đáng lưu tâm như ở Phạm Văn Đồng, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ, Nguyễn Văn Cừ, có nhiều ngày (25-35% tổng số ngày trong năm) nồng độ bụi PM2.5 vượt quá Quy chuẩn Quốc gia.
Theo bà Nguyễn Anh Thư, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới chất lượng không khí ngày càng kém ở các đô thị, đặc biệt ở Hà Nội. Trước tiên phải nói tới sự gia tăng của các nguồn gây ô nhiễm nội đô như: Sự tăng nhanh số lượng các phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng, các hoạt động sinh hoạt của người dân (sử dụng bếp than, đốt rác thải…). Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố như địa hình trũng, quy hoạch đô thị trong các thành phố lớn có quá nhiều nhà cao tầng cùng với các điều kiện thời tiết như nghịch nhiệt khiến khối không khí bị ô nhiễm không thể phát tán lên cao.
Ngoài ra, các nguồn khí thải bên ngoài theo hướng gió đặc biệt là từ các các khu công nghiệp hay ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ các nước láng giềng cũng ảnh hưởng tới miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.
Hiện nay, các công ty tư nhân, đối tác phát triển cũng hỗ trợ lắp đặt những máy đo cảm biến chất lượng không khí, nhưng lại thiếu các quy định để kiểm định các thiết bị này, nên hiện tại mới chỉ dừng ở cảnh báo và nâng cao nhận thức cho người dân.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, trái với suy nghĩ của phần lớn cộng đồng, giao thông đường bộ không phải là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất tại Hà Nội. Nguồn thải này chỉ đóng góp khoảng 25%, trong khi 75% khí thải còn lại là từ các nguồn phát thải khác.
Hãy tự chủ động bảo vệ
Để đánh giá về chất lượng không khí, xác định nguyên nhân nào đóng góp chủ yếu cho ô nhiễm không khí cần số liệu đủ về cả không gian và thời gian và số liệu kiểm kê các nguồn phát thải. Hiện tại, dữ liệu về không khí của chúng ta còn hạn chế, số lượng các trạm quan trắc chưa đủ để đáp ứng yêu cầu, số liệu kiểm kê cũng vẫn còn thiếu.
Theo bà Nguyễn Anh Thư, hiện nay có một số kênh thông tin, người dân có thể truy cập để biết được về hiện trạng chất lượng không khí. Người dân có thể tìm hiểu qua các cổng thông tin như: Môi trường thủ đô: https://moitruongthudo.vn/; PAM AIR: https://www.pamair.org/; Air visual: https://www.iqair.com/vi/; Aqicn: https://aqicn.org/city/vietnam/hanoi/us-embassy/; Airnet: https:www.airnet.vn...; hoặc các ứng dụng trên điện thoại di động: Pam Air, Air visual, Air quality ....
Đặc biệt, mỗi cá nhân hãy chủ động nâng cao hiểu biết về ô nhiễm không khí. Hãy chọn khẩu trang có khả năng ngăn được bụi mịn như N-95 hoặc P-100 (khẩu trang thông thường và các loại khăn quàng không thể bảo vệ phổi của bạn khỏi bụi mịn); tránh hoạt động mạnh ở bên ngoài trời khi không khí ô nhiễm và chỉ số chất lượng không khí cảnh báo ở mức không tốt hoặc nguy hại cho sức khỏe...
Hiện tại GreenID đang truyền thông sử dụng thúc đẩy 6 giải pháp gồm: Theo dõi chất lượng không khí hàng ngày, sử dụng khẩu trang có khả năng ngăn được bụi mịn, sử dụng máy lọc khí trong nhà…
Bà Nguyễn Anh Thư: Ô nhiễm không khí là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều thành phần, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và khó để có được bức tranh toàn cảnh trong thời điểm hiện tại. Để đưa ra được đánh giá chính xác về hiện trạng chất lượng không khí, xu hướng biến đổi vẫn cần nhiều hơn những nghiên cứu dựa trên bộ số liệu đầy đủ cả về không gian, và thời gian.