Hay nhất và khó nhất là biết tự giác ngộ

Trong giáo dục quan trọng nhất là phải dạy con người cách tư duy và tự học. Và để tự học, khó nhất là phải tự giác ngộ. Tự giác ngộ chỉ có được khi ta thấy việc học của mình là cần thiết để có thể trở thành người có ích cho đời.

“Bé thì là nô dịch cho thầy, thầy dạy thế nào thì phải trả lời đúng như thế, chứ cứ khác đi là bị điểm kém. Như thế là làm thui chột tính sáng tạo. Còn lớn lên thì nô dịch cho quyền lực, cho đồng tiền. Lãnh đạo nói thế nào thì làm đúng như thế, làm khác đi, hay chỉ cần có ý kiến khác đi là rắc rối, là phiền phức.” – Nhà nghiên cứu Lê Mỹ, Trưởng ban Văn hóa truyền thống, Trung tâm văn hóa Người cao tuổi Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu Lê Mỹ: hay nhất và khó nhất là biết tự giác ngộ

Thấy được dòng chảy của lịch sử

Tại sao ông lại chọn nghiên cứu chữ Việt cổ?

Ông ngoại tôi trước đây là ông đồ Nho, cụ thông thạo cả Nho- Y- Lý- Số, thế nên từ bé tôi đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức Nho giáo, thích chữ nghĩa văn chương, sống nội tâm…

Nhưng cuộc đời, có nhiều cái mình không tự quyết định được. Ví dụ, tôi thích sinh học nhưng lại phải học về cơ khí ô tô, rồi có chiến tranh thì mình phải tham chiến… Sau này khi đã đi nhiều, thấy nhiều, hiểu biết nhiều, thì tôi xin về hưu non để được làm những thứ mình thích.

Vì thích làm thơ, mà làm thơ là chơi đùa với con chữ và cái nghĩa lý sâu xa của nó, tìm hiểu về con chữ mới thấy mình phải nghiên cứu về chữ Nho, chữ Khoa đẩu, là chữ của người Việt mình, đã có từ cổ xưa rồi.

Không ai giao nhiệm vụ, không nằm trong đề tài, dự án nào, chỉ là tự mình thấy thích, thấy cần thiết thì nghiên cứu?

Lúc đầu chỉ là thích tìm hiểu, rồi sau say mê. Càng học càng thấy dốt, càng thấy các cụ mình ngày xưa giỏi quá. Chữ Khoa đẩu là chữ của người Việt cổ, có từ hàng vạn năm nay rồi. Chữ Nho cũng là chữ của người Việt mình, mà là chữ cổ có trước. Sau này người Hoa Hạ gốc người Hán mới sinh ra và chiếm đoạt, Hán hóa cho người Hoa Hán dùng.

Từ đó, tìm hiểu sâu về lịch sử, nguồn gốc của người Việt cổ và nền văn hóa Hòa Bình, thấy được dòng chảy của lịch sử. Tự hào lắm chứ. Khi tôi đi nói chuyện về chữ Việt cổ, nền văn hóa của người Việt… nhiều bạn trẻ, thậm chí cả những người lớn tuổi cũng ngạc nhiên bảo, hay thế mà giờ họ mới biết.

Tự học, tự nghiên cứu thì vất vả lắm?

Vất vả chứ. Bạn bè nhiều người bảo vất vả thế làm gì, có được quan tâm đâu. Người ta có tiền ngân sách, có quyền, có trách nhiệm mà còn chả làm được nữa là mình.

Nhưng cái chuyện chữ nghĩa này, hình như có căn duyên nào đó, được Trời sai Đất khiến thế nào đó, mà tư liệu tới với mình rất nhiều, điều đó khiến tôi thêm hứng thú, đọc đến đâu sáng rõ ra đến đấy và nguyện tiếp sức tiền nhân đi vào con đường này.

Từ xưa đến nay chúng ta chưa bao giờ thiếu người tài. Nhưng vấn đề là làm sao dùng được người tài. Để đạt được đất nước thái hòa thì việc quan trọng nhất là phải xây dựng một nền giáo dục sáng chữ nhân. Mà hai công việc của giáo dục là đào tạo và tuyển dụng phải nghiêm minh.

Tôi xin tặng một đôi câu đối: Non sông giàu đẹp cần nghe trẻ – Đất nước thái hòa phải hỏi già.

 Học hành nghiêm túc có khi lại hỏng

Ông có cho rằng, nếu được học bài bản thì sẽ còn nhiều thành công hơn nữa?

Một số người cũng đã hỏi tôi như thế. Có thể đó là cái không may nhưng lại là cái may. Bởi nếu được đào tạo chuẩn ngay từ đầu thì cái đầu tôi không được như bây giờ đâu, lại là một thứ tư duy nô dịch.

Bé thì là nô dịch cho thầy, thầy dạy thế nào thì phải trả lời đúng như thế, chứ cứ khác đi là bị điểm kém. Như thế là làm thui chột tính sáng tạo. Còn lớn lên thì nô dịch cho quyền lực, cho đồng tiền. Lãnh đạo nói thế nào thì làm đúng như thế, làm khác đi, hay chỉ cần có ý kiến khác đi là rắc rối, là phiền phức.

Tôi không có tài trợ, không có dự án nên tự do tự tại, mình say mê và thấy cần thiết thì nghiên cứu mới có hiệu quả. Chứ học hành nghiêm túc có khi lại hỏng.

Nghĩ thế có cực đoan không, thưa ông?

Đó là thực tế đấy. Bởi vì giáo dục của ta là theo phương pháp quy nạp, tức là chỉ biết cái của anh là đúng, còn những cái khác sai. Như thế sao được.

Phải theo phương pháp thổ nạp của tiền nhân, mọi quan điểm phải biết, biết càng nhiều càng tốt, sách hay sách dở phải đọc hết để rồi từ những kiến thức, tư duy của bản thân mà biết cái gì sai thì thổ ra, cái gì hay thì nạp vào. Như thuyết tiến hóa của Darwin, nhiều nhà khoa học đã cho đó là một sai lầm, còn chúng ta vẫn dạy như một chân lý, học sinh buộc phải công nhận mà không được thắc mắc hay phản biện.

Có người nói xã hội nào thì nền giáo dục đó?

Xã hội thì cũng là do con người làm nên, mà trước tiên phải là trách nhiệm của người lãnh đạo. Lãnh đạo tốt thì xã hội mới tốt được. Lãnh đạo tồi thì xã hội càng tồi tệ hơn.

Tôi rất thích quan điểm của các cụ ngày xưa, coi quan là phụ mẫu của dân. Quan phải như cha mẹ, trách nhiệm của người làm quan là phải lo cho dân.

Còn chúng ta ngày nay nói lãnh đạo là đầy tớ của dân, nhưng thực tế thì thế nào, lãnh đạo có biết bao nhiêu đặc quyền đặc lợi. Đặc quyền đặc lợi nguy hiểm ở chỗ nó thúc đẩy tính lười và lòng tham trong con người. Ngồi vào vị trí đó rồi là chỉ lo giữ ghế, lo vơ vét kiếm tiền, không nghĩ gì đến trách nhiệm với dân với nước.

Tôi nghĩ điều nguy hiểm là ngồi vào vị trí đó rồi là luôn cho mình là đúng, không biết nghe những ý kiến phản biện?

Đúng vậy, muốn phát triển thì cần phải có phản biện. Cứ trên bảo dưới nghe răm rắp thì nguy hiểm lắm. Phải là người công tâm thì mới biết nghe lời phản biện.

Giống như trong giáo dục, phải là thầy giáo công tâm mới phát hiện ra được học sinh giỏi. Vì kiến thức đó có thể học sinh học ở nơi khác, thầy khác, nhưng đừng câu nệ chuyện đó, đừng có nghĩ rằng thầy phải giỏi hơn trò, lãnh đạo phải giỏi hơn nhân viên… thì mới tìm được người tài. Mà hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Câu đó ai cũng biết, ai cũng nói nhưng thực chất đâu phải vậy?

Chúng ta đang mắc một thứ bệnh rất nặng, là nói thì hay nhưng làm chẳng ra sao cả. Vì do tính lười, chỉ nói còn để người khác làm. Mà kẻ dưới cũng lười nốt, nên vấn đề quản lý thờ ơ tắc trắc sinh ra  những tàn bạo.

Tôi chưa thấy khi nào người ta nói nhiều đến chữ tâm như vậy, trong khi lại làm đầy những việc thất đức. Tâm là gì? Tâm là cái để hướng tới, nói đến tâm là nói đến Phật, chứ con người khó đạt đến lắm. Con người phấn đấu có đức là đã tốt lắm rồi. Cứ nói bừa đi là lộng ngôn.

Khó nhất là phải tự giác ngộ

Ông có nói tới phương pháp thổ nạp, đọc hết để biết cái nào đúng cái nào sai. Như thế liệu có nguy hiểm không khi một đứa trẻ chưa có nền tảng nhận thức đúng đắn?

Đây là chúng ta nói tới giáo dục phổ thông, khi học sinh đã có một trình độ nhận thức, tư duy nhất định. Còn với cấp tiểu học, tất nhiên vẫn cần phải được chỉ bảo nhận chân cái gì là đúng, sai.

Cái gì cũng phải có thời điểm của nó. Dạy về giáo dục giới tính là cũng phải đúng thời điểm, chứ sớm quá là lợi bất cập hại. Nhưng giáo dục trong nhà trường, quan trọng là phải dạy cách tư duy, tự học. Giảm tải những cái chưa cần thiết và không cần thiết.

Theo ông, để tự học, khó nhất là gì?

Khó nhất là phải tự giác ngộ. Tự giác ngộ chỉ có được khi ta thấy cái việc học của mình là cần thiết. Tự học có cái hay là mình thấy cái gì cần thiết nhất với cuộc sống của mình thì học, cái gì không cần thì thôi. Không giống như ở trường, ôm đồm nhiều thứ quá thành ra không hiệu quả.

Giáo dục phổ thông quan trọng nhất là gì? Là những kiến thức cơ bản về tự nhiên thôi. Còn xã hội ai thích thì tự tìm hiểu, ngoại ngữ ai cần ngoại ngữ nào thì tự học. Chứ như hiện nay, ông nào cũng thấy môn của mình là quan trọng cần phải đưa vào, thành ra lãng phí vô cùng về thời gian, công sức, tiền bạc.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh thực hiện

Theo Đời sống
back to top