Thói quen ngâm rượu
Phần lớn những bình rượu ngâm được ra đời từ những lời đồn thổi, mọi người thường truyền tai nhau về những lợi ích của các loại rượu ngâm dẫn đến uống rượu vô tội vạ và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các loại rượu ngâm phổ biến từ những cây trên rừng, từ những vùng núi, các loại động vật như: Kiến, nhộng ong, thậm chí tay gấu. Những loại động vật này khi ngâm với rượu trong thời gian dài sẽ bị giảm dần theo thời gian nên chất đạm tiết ra từ tay gấu có thể bị ôi, hư và nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn…
Hậu quả của việc uống rượu thuốc tự ngâm.
Từ những lời đồn thổi về tác dụng dụng của rượu thuốc ngâm, nhiều người sử dụng nó như một loại thuốc quý và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Việc sử dụng quá nhiều rượu bổ, hàng năm, có hàng trăm trường hợp ngộ độc do rượu ngâm, nếu nhẹ thì có biểu hiện nôn mửa, rối loạn hành vi, một số khác nặng hơn thì bị hôn mê sâu, truỵ mạch, mặc dù được cứu chữa khỏi ngộ độc nhưng vẫn có thể phải mang di chứng nặng nề.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây “thuốc” chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng, như: Ong đất, tắc kè, mật động vật các loại… khoảng 10%… Đó là những hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại: Ngâm dược liệu và ngâm động vật. Các loại động vật hay được ngâm phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung. Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát.
Bác sĩ Sơn cho hay, trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc thậm chí động vật người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm.
Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc rượu thuốc tự ngâm, có trường hợp nặng đã dẫn đến tử vong, do đó khi sử dụng các loại rượu ngâm cần làm theo chỉ định của bác sĩ và các chuyên gia y tế tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Khi ngâm rượu, các nguyên liệu cần được chế biến kỹ càng, hợp vệ sinh, loại bỏ các bộ phận như nội tạng, lông; với các con vật như bìm bịp, tắc kè, cần nướng chín trước khi ngâm rượu. Làm sạch không chỉ giúp an toàn vệ sinh mà còn giúp rượu ngâm có mùi thơm dễ chịu, không bị tanh, rút ngắn thời gian ngâm để dược liệu có thể sử dụng nhanh hơn.