Hậu Covid - 19 và bài toán "ly nông bất ly hương"

Hậu Covid - 19 khiến một bộ phận lao động không quay lại đô thị, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học cũng về quê lập nghiệp. Đây là xu hướng mới, nhưng cũng là thách thức cho hoạt động tạo công ăn việc làm cho lao động tại nông thôn.

Theo Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan, thực tế một bộ phận lao động quay về quê lập nghiệp là có. Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội của nông nghiệp nông thôn.

Cụ thể, trước đây, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có một nhóm nội dung về phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, thời điểm đó các nỗ lực vẫn ít chú ý đến phát triển kinh tế nông thôn. Mà chú ý nhiều đến đầu tư cơ sở hạ tầng của các xã nông thôn mới.

Tuy nhiên, hiện nay cần chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, gồm hợp tác xã - kinh tế tập thể, sản phẩm OCOP, khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch nông nghiệp.

chat-van-quoc-hoi.jpg

"Chỉ khi đó kinh tế nông thôn mới tạo ra nhiều việc làm, ly nông bất ly hương, để người nông dân ở nông thôn không chỉ sống bằng nông nghiệp, mà bằng dịch vụ" - Bộ trưởng NNPTNT nói.

Ông Hoan nói thêm, khởi nghiệp trong nông nghiệp không có nghĩa về quê làm nông. Mà từ sản phẩm nông nghiệp của bà con, các bạn trẻ khởi nghiệp có thể tận dụng khoa học công nghệ, kinh tế thị trường, chuyển đổi số... để phát triển các ngành nghề dịch vụ, tạo giá trị gia tăng cao hơn.

Chẳng hạn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sau thời gian thực hiện đã từng bước chuyển hóa được nông sản thô sang nông sản chế biến. Tức tạo ra nhiều không gian hơn cho phát triển sản phẩm nông nghiệp, bớt đi tình trạng nền nông nghiệp gia công cho nước ngoài.

"Chúng tôi cũng đã đưa ra một đề án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta chú trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sẽ tạo ra giá trị mới ở nông thôn. Khởi nghiệp ở nông thôn không có nghĩa là về quê tiếp tục làm nông nghiệp. Mà từ sản phẩm bà con mình đang làm nông nghiệp đó, thì doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tạo ra các giá trị cao hơn thông qua chế biến, bao bì" - ông Hoan nói.

Cần đưa công nghiệp về nông thôn, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn liền với công nghiệp dịch vụ ở nông thôn, phát triển các đô thị vệ tinh để không gây quá tải.

Điều này sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích. Vừa đảm bảo sự lan toả phát triển, vừa bảo đảm nông nghiệp nông thôn có thu nhập tăng lên, có cơ hội về việc làm, giải quyết được vấn đề về môi trường, sự quá tải cơ sở hạ tầng ở thành phố…

Phát triển nông nghiệp nông thôn đang trở thành một hướng đi rất quan trọng của nền kinh tế. Và phải làm với một tinh thần mới: khởi nghiệp trong nông nghiệp, biến mỗi người nông dân thành một nhà khởi nghiệp. Đặc biệt là khuyến khích lực lượng trẻ sẽ đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn.

Với tác động của kinh tế số hiện nay, một hộ nông dân ở một tỉnh thành phố nào đó, thậm chí vùng xa như Tây Bắc hay Tây Nguyên... cũng có thể tiếp cận được với thị trường thế giới, bán sản phẩm của mình ra thế giới và tiếp thu những công nghệ của thế giới.

Bây giờ nông dân hay người khởi nghiệp ở nông thôn không cô đơn nữa, mà người ta làm trong một hệ sinh thái toàn cầu.

Cho nên, cơ hội cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh tế gia đình ở nông thôn và khởi nghiệp ở nông thôn là vô cùng lớn, làm sao để có một hệ thống thể chế chính sách yểm trợ cho việc này.

Ông Vũ Tiến Lộc đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam,

Theo Đời sống
back to top